(HNM) - Chưa năm nào, chuyện nước lại trở thành đề tài nóng như những ngày đầu năm 2011 này. Từ chuyện lấy nước chống hạn đến chuyện cấp nước sinh hoạt ở nhiều thành phố, thị xã lớn cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Khỏi bàn đến chuyện không đủ nước để các nhà máy phát điện duy trì mức hoạt động ổn định; bởi với ngành điện, chuyện trông trời, mong nước đã trở thành điệp khúc quá quen thuộc.
Chúng ta cứ tranh luận, cứ hội thảo, để rồi không chỉ những cánh rừng đầu nguồn, nơi bắt đầu của những con suối tạo nên những dòng sông đang mất gần hết; mà ngay cả các đồi rừng, vườn rừng nơi nuôi giữ các mạch ngầm cho đất, cũng cạn kiệt đến trơ màu sỏi đá. Màu xanh cho đất mất dần, nên các nguồn nước tự nhiên từ sông suối, từ lòng đất cũng theo màu xanh ấy bay đi, để rồi chính những con người bao năm gắn bó với rừng, đất rừng, bỗng khát khô vì nước.
Đã vào mùa đổ ải, nhưng nhiều trạm bơm vẫn lặng ngắt như tờ, các họng máy nằm yên nhìn xuống lòng sông trơ cạn. Nước cho sản xuất vụ này rồi cũng sẽ tạm ổn. Nhưng, chả lẽ chúng ta cứ để nỗi lo ấy thức dậy mỗi mùa? Câu trả lời chắc phải dành cho những nhà hoạch định chính sách.
Nước từ các hồ thủy điện lớn luôn cạn dưới mức 10m so với mực nước đầy hồ, khiến quá trình nhiễm mặn ở một số tỉnh ven biển ngày càng trở nên phức tạp hơn, thậm chí Nhà máy nước Thủ Đức, nơi sử dụng nước mặt từ sông Đồng Nai, có ngày chỉ chạy được 3 giờ đồng hồ, khiến tình hình cấp nước cho một số khu vực tại TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn.
Vẫn biết, sử dụng nước tiết kiệm rồi sẽ phải trở thành tiêu chí của mỗi công dân nước Việt văn minh. Phải tiết kiệm nước. Nhưng, sẽ không muộn khi chúng ta cần nhanh chóng cứu lấy các cánh rừng, trả lại màu xanh cho đất. Chỉ có làm như vậy mới giữ được nước và có thêm nhiều nước phục vụ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của chính chúng ta.
Đừng nghĩ, trời đã sinh voi, trời sẽ sinh cỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.