(HNM) - Một nhóm người thuyết trình trái phép ứng dụng Pay Asian, sử dụng đồng tiền thanh toán Payer của Công ty Pay Asian tại Việt Nam, lôi kéo người dân tham gia để được tiền thưởng như mô hình đa cấp vừa bị phát hiện.
Điều đáng nói, những đối tượng trong vụ việc không xuất trình được giấy tờ có liên quan Công ty Pay Asian. Website Payasian.co của Công ty Pay Asian tại Việt Nam cũng không có địa chỉ liên hệ, mà chủ yếu quảng cáo, hướng dẫn các ưu đãi, chế độ cho người chơi…
Nhìn rộng hơn, thời gian qua, sự phổ biến của các đồng tiền mật mã đã kéo theo những biến tướng với các thương vụ lừa đảo dưới mô hình Ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước). Nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin, hoặc do mờ mắt trước lợi nhuận được "vẽ" ra cũng không tránh khỏi “vết xe đổ” khi nhiều dự án tiền mật mã mà bản chất là lừa đảo được quảng cáo rầm rộ. Khi đã dính vào mô hình đầu tư này, những thành viên tham gia dù đã biết là lừa đảo nhưng buộc phải tìm cách kéo thêm nhiều người vào cuộc chơi để hạn chế thiệt hại cho mình.
Để xác định một mô hình đầu tư có phải là Ponzi hay không, không khó. Những dấu hiệu là, dự án thường cam kết mang lại lợi nhuận tới hàng chục phần trăm trong khoảng thời gian ngắn, bất chấp điều kiện thị trường biến động ra sao; các hình thức hoặc chiến lược đầu tư được mô tả rất rắc rối; khách hàng không được phép xem giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ, nhưng lại rất khó để rút tiền ra khỏi tổ chức…
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các loại tiền ảo, tương tự Bitcoin, không phải tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại nước ta. Do vậy, để tránh rủi ro, mỗi nhà đầu tư cần sáng suốt, không nên để những con số lợi nhuận ảo làm mờ mắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.