(HNM) - Đã hơn 1 tháng kể từ khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, trong đó có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet có hiệu lực (ngày 1-11-2017), nhưng không ít chủ cửa hàng kinh doanh vẫn chưa hề biết tới quy định này.
Thực hiện nghiêm quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là rất cần thiết. |
Tiếp thị hàng tràn lan
Ngày 14-12, phóng viên Báo Hànộimới khảo sát một số địa chỉ bán rượu trên internet. Chỉ cần tra từ "bán rượu biếu Tết" đã nhận được danh sách dài về cơ sở kinh doanh rượu, địa chỉ giao dịch cũng như giá cả từng loại. Điều đáng nói, các loại rượu được rao bán phổ biến không chỉ trên các website của cửa hàng mà còn cả trên các trang cá nhân (chủ yếu là Facebook) và các diễn đàn mua bán trực tuyến.
Trên trang http://thegioiruoungon.com đăng thông tin giới thiệu với khách rất nhiều loại rượu whisky lừng danh thế giới. Trang http://www.ruouquabieu.com có một danh sách dài các loại rượu mạnh Hennessy VSOP, Hennessy XO, Remy Martin VSOP (40 độ) mời chào thượng đế, kèm theo đầy đủ thông tin về xuất xứ, dung tích, giá thành như chưa hề có lệnh cấm.
Bên cạnh rượu ngoại, hoạt động quảng bá, giới thiệu, rao bán các loại rượu bí truyền như: Rượu sâm, rượu gạo, rượu ngô, rượu Bàu Đá... cũng diễn ra khá tấp nập trên mạng xã hội, nhưng không nêu tem mác, nồng độ. Tương tự, tại các quầy hàng tạp hóa có bán mặt hàng rượu, người bán hàng hầu như không biết đến Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Chủ một cửa hàng ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, không thấy cơ quan chức năng nào thông báo về nghị định và băn khoăn: "Nếu cửa hàng của tôi không bán thì phụ huynh lại sai con đi mua chỗ khác. Kinh doanh bây giờ khó khăn, cửa hàng mọc ra như nấm sau mưa, làm khó khách hàng thì có nguy cơ sập tiệm".
Khác với các cửa hàng nhỏ lẻ, một số siêu thị lớn như BigC đã có những động thái thực hiện. Một nhân viên thu ngân tại siêu thị BigC (Hà Nội) tên Thủy cho biết, hệ thống đã thông tin đến bộ phận kinh doanh, thu ngân không thanh toán hóa đơn cho trẻ khi mua rượu. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì nhân viên thu ngân ở siêu thị này cũng nhìn mặt mà đoán tuổi nên không thể bảo đảm tính chính xác.
Quy định rõ trách nhiệm
Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải xuất hiện lần đầu tiên trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu. Tiếp theo đó, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng quy định phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi. Nhưng thực tế cho thấy, những quy định này vẫn đang nằm trên giấy.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã
hội, người chưa thành niên chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế. Cho phép nhóm đối tượng này sử dụng rượu là rất nguy hiểm. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện cấm bán rượu đối với trẻ em và quy định này rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Theo ông Đặng Hoa Nam, để nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan chức năng cung cấp số điện thoại nóng và cắt cử người trực thường xuyên, đồng thời tích cực xử lý những thông tin tố giác của người dân thì mới có thể tạo niềm tin trong xã hội và răn đe các đối tượng khác.
Đồng quan điểm, luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc giám sát và chế tài ở đây không chỉ là đối với người bán mà còn ở chính người thực thi pháp luật. Chẳng hạn, khi được giao quản lý một địa bàn, người thực thi pháp luật có thẩm quyền xử phạt người vi phạm. Nếu có tình trạng bán rượu trái phép mà không xử phạt hoặc xử phạt không đúng quy định thì người thực thi pháp luật cũng phải chịu phạt. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cách xác minh độ tuổi của người mua rượu? Điều này chỉ có thể căn cứ vào chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân. Do vậy, cần có quy định về việc nhân viên bán rượu được phép kiểm tra giấy tờ của khách và có quyền từ chối đối với khách hàng không đủ điều kiện.
Nhận định tại Việt Nam, người có nhu cầu dễ dàng mua rượu, bia ở bất cứ đâu vì rượu, bia được bán thoải mái, không giống nước ngoài chỉ chỗ nào có phép mới được bán, bà Lương Hồng Lý, ở phường Thành Công, quận Ba Đình cho rằng, để Nghị định 105/2017/NĐ-CP có tính khả thi, trước hết, phải đưa rượu vào danh sách mặt hàng cần kiểm soát đặc biệt từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ và sử dụng, chỉ bán tại những khu vực nhất định. Cơ quan quản lý thị trường, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.