Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để vàng rơi!

Hà Trang| 03/04/2023 06:03

(HNM) - Một niềm vui sẽ đến với chúng ta trong đầu tháng 4 này - đó là sự kiện Việt Nam chào đón công dân thứ 100 triệu. Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia ở Đông Nam Á có quy mô 100 triệu dân trở lên.

Trong bối cảnh tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu sẽ là dấu mốc đáng tự hào, giúp nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, chúng ta cũng phải chịu những áp lực không nhỏ của việc dân số tăng quá nhanh.

Thực tế, dân số tăng nhanh là một mối nguy hại đối với môi trường do hoạt động khai thác quá mức tài nguyên để phục vụ nhu cầu con người. Bùng nổ dân số cũng tạo sức ép rất lớn đối với vấn đề việc làm, nguy cơ gây ra thiếu việc làm trầm trọng; tác động tiêu cực đến y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng và các vấn đề xã hội khác… Mặt khác, mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, song lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế bởi đa số là lao động giản đơn. Đáng chú ý, hiện năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 11% so với Singapore, 23% so với Hàn Quốc, 24% so với Nhật Bản...

Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thời gian tới chúng ta cần tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định phải tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta đạt 70%.

Tiếp đó, cần có chính sách đột phá, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực, so với khu vực và thế giới.

Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007, nếu có năng suất lao động cao sẽ là chìa khóa mang đến sự thịnh vượng của quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần có các chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ “dân số vàng”, nếu không sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ, bởi cơ cấu “dân số vàng” thường chỉ kéo dài 30 năm đến 35 năm. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á, đã tận dụng cơ hội “dân số vàng” để tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Cầm vàng đừng để vàng rơi! Theo đó, cần nhìn rõ những thách thức, tận dụng tốt các cơ hội “vàng” để phát triển đất nước. Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, chắc chắn Việt Nam sẽ là quốc gia vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng để vàng rơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.