(HNM) - Liên tiếp các vụ cháy chung cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh những ngày qua là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta về vấn đề an toàn cháy nổ tại các chung cư cao tầng. Càng đáng lo ngại hơn là tại Hà Nội, đến nay vẫn còn 31 chung cư chậm khắc phục vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Nhấn mạnh về công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung, với chung cư cao tầng nói riêng, không ít lần cơ quan chức năng cùng những người có trách nhiệm nói đến cụm từ: Không để "mất bò mới lo làm chuồng"... Vậy nhưng, sự thay đổi trong thực tế ở một số nơi lại rất chậm chạp, nhiều tồn tại kéo dài, sự an toàn của cư dân vì thế vẫn không được "đặt lên hàng đầu".
Vì sao họ "không mặn mà" với việc tối quan trọng này? Câu trả lời trước hết là sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư. Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe nên nhiều chủ đầu tư thường chấp nhận chịu phạt, thay vì đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy đầy đủ để nghiệm thu. Ở đây, rõ ràng người dân bỏ tiền mua nhà, nhưng khi nhận nhà, đến ở lại rơi vào cảnh "cầm dao đằng lưỡi". Ngoài ra, có một phần trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền địa phương, vì không có biện pháp mạnh, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nên vi phạm càng có điều kiện phát sinh và tồn tại kéo dài.
Một thực trạng nữa là có chủ đầu tư chung cư đã lắp đặt hoặc khắc phục vi phạm phòng cháy, chữa cháy, nhưng làm chiếu lệ, đối phó cơ quan chức năng và người dân. Vì thế, ở một số tòa nhà cao tầng dù đầy đủ thiết bị nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được hoặc vận hành thiếu tính ổn định. Đáng bàn hơn là khi xảy ra cháy, nhiều người dân hoảng loạn, mất bình tĩnh, thiếu kiến thức và ít kinh nghiệm ứng phó... dẫn đến hậu quả khôn lường.
Để tránh sự việc đã rồi, tức là "phòng hơn chống", cùng với việc tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương khắc phục, lực lượng chức năng cần kiên quyết hơn nữa, có chế tài nghiêm khắc, không cho phép đưa vào sử dụng đối với những tòa nhà chưa lắp đặt, hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu, thẩm duyệt hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Đồng thời, cần thiết phải duy trì công tác kiểm tra, giám sát liên ngành, gồm Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Tài nguyên - Môi trường... ngay từ khi dự án bắt đầu được đầu tư xây dựng. Qua đó kịp thời nhắc nhở, xử lý ngay những vi phạm trong lĩnh vực này.
Về phía chủ đầu tư, cũng rất cần nâng cao uy tín, trách nhiệm đối với sản phẩm bất động sản, đầu tư xây dựng theo đúng thiết kế được thẩm duyệt, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt tránh lối làm ăn chộp giật, không vì quyền lợi của cộng đồng và phải cam kết khi nào hoàn thiện toàn bộ các thiết bị bảo đảm an toàn mới được đưa cư dân vào ở. Cùng với đó là trong quá trình thiết kế, thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy cần tính toán khoa học, đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; khi đưa vào sử dụng, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành theo định kỳ hệ thống phòng cháy, chữa cháy để có sửa chữa, thay thế kịp thời.
Đối với người dân, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mua nhà, không thể bỏ qua việc tìm hiểu kỹ các yếu tố bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho cuộc sống của mình, hãy kiên quyết "nói không" với sản phẩm nhà ở không đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Mỗi cư dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng thông qua việc chủ động tham gia các lớp tập huấn, thực hành về phòng cháy, chữa cháy tại nơi mình sinh sống. Có như vậy mới có thể tự bảo vệ được chính mình và gia đình, tránh lâm vào tình cảnh "sự đã rồi", đồng thời góp phần xây dựng cộng đồng dân cư an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.