(HNM) - Ngay sau sự cố sập mảng vữa trần lớp học tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) khiến 3 học sinh bị thương, ngày 21-3, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường.
Sự cố này là tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn với thầy và trò tại những trường học đang xuống cấp nhưng chưa được cải tạo kịp thời. "Mất bò mới lo làm chuồng" đang là điều khiến nhiều người lo lắng...
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội kiểm tra hiện trường lớp học bị sập mảng vữa tại Trường THPT Trần Nhân Tông, ngày 21-3. |
Di chuyển toàn bộ học sinh đến nơi an toàn
Ngoài việc khảo sát thực tế, các thành viên đoàn công tác và đại diện lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông và một số trường học trên địa bàn đã cùng thảo luận để tìm cách tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất hiện nay của Trường THPT Trần Nhân Tông, nhằm tạo sự ổn định về tâm lý cho giáo viên, phụ huynh và học sinh trong quá trình dạy và học tới đây.
Trường THPT Trần Nhân Tông thành lập năm 1960, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Tại trường đã nhiều lần xảy ra sự cố tương tự, rất may không ảnh hưởng đến tính mạng học sinh. Để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, nhà trường đã chủ động rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trát lại những vết nứt trên trần, tường, gia cố lại những hạng mục có nguy cơ mất an toàn, di chuyển học sinh đến những phòng an toàn hơn..., song đó chỉ là giải pháp tình thế. Nhà trường mong muốn dự án cải tạo, xây dựng trường sớm được triển khai, giúp thầy và trò yên tâm dạy - học” - ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông bày tỏ.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình cơ sở vật chất hiện có của một số trường học trên địa bàn và trao đổi với lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, đoàn công tác đã thống nhất phương án di chuyển toàn bộ học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông tới các trường học gần nhất trong thời gian chờ dự án cải tạo trường được triển khai.
Theo đó, học sinh của trường sẽ di chuyển đến các địa điểm của 3 đơn vị, gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng, Trường THCS Minh Khai và Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng. Việc di dời học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông đến địa điểm mới dự kiến thực hiện từ ngày 22-3-2018 và giữ ổn định hết năm học 2017-2018.
Nhiều trường bị xuống cấp trầm trọng
Trường THPT Trần Nhân Tông không phải đơn vị duy nhất của Hà Nội đang bị xuống cấp trầm trọng. Những năm gần đây, khá nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã từng lên tiếng về nguy cơ mất an toàn khi các dự án xây dựng, cải tạo trường học chậm được triển khai, trong khi quy mô học sinh ngày càng lớn. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đã nhiều lần kêu cứu về sự xuống cấp nghiêm trọng và thiếu thốn cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng; thậm chí nhiều năm nay học sinh của trường phải để xe giữa trời mưa, nắng bởi không có nhà để xe.
Đặc biệt, các lớp học đều đang quá tải với sĩ số bình quân hơn 50 học sinh/lớp. Theo bà Nguyễn Thị Hà Thanh, nhà thể chất của trường hiện đã xuống cấp, không thể sử dụng, việc cải tạo một số phòng học cũng chỉ là phương án tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu lớp học.
Cách đó không xa, thầy và trò Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng đã nhiều năm đối mặt với nguy cơ rủi ro và được xếp vào nhóm các trường đang ở trong tình trạng xuống cấp, nguy hiểm. Được xây dựng từ năm 1973, nằm tại địa bàn có mặt bằng thấp nhất thành phố, địa phương lại nhiều lần nâng mặt đường, nên nhà trường thường xuyên bị ngập dài ngày. Hầu hết các phòng học, phòng chức năng và nhiều hạng mục của trường đều đã bong tróc, mục, gẫy khiến thầy và trò luôn trong trạng thái phấp phỏng lo lắng.
Cuối năm 2017, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã tổng rà soát cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) cho biết: Sở đã báo cáo UBND thành phố về tình hình cơ sở vật chất của khối trường trực thuộc và đề xuất đầu tư dự án cấp bách giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Kết quả rà soát cho thấy, có 15 dự án xuống cấp cần được cải tạo ngay, trong đó Trường THPT Trần Nhân Tông đứng đầu trong nhóm 5 dự án xuống cấp nguy hiểm, cần đầu tư sớm; 4 dự án còn lại, gồm: THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) và THPT Ứng Hòa A (huyện Ứng Hòa).
Sau sự cố tháng 10-2017, Trường THPT Trần Nhân Tông đã được UBND thành phố phê duyệt kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 30 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu và chuẩn bị phương án di dời học sinh thì xảy ra sự cố.
Theo kế hoạch, dự án cải tạo, xây dựng Trường THPT Trần Nhân Tông sẽ kéo dài từ 12 đến 15 tháng. Việc di chuyển 1.600 học sinh của trường đến học tại các điểm trường lân cận hiện nay chỉ là giải pháp tình thế để bảo đảm sự an toàn cho giáo viên, học sinh và ổn định tâm lý cho các phụ huynh. Về lâu dài, cần có sự chung tay vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương của các sở, ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ các dự án trường học xuống cấp trên địa bàn thành phố, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng” như sự cố vừa xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.