Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng coi thường ”tham nhũng vặt”!

Nữ Quỳnh| 05/10/2013 05:53

(HNM) - Ngày 1-10, Tổ chức Minh bạch quốc tế - một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu về chống tham nhũng - công bố bản báo cáo tham nhũng trong giáo dục dày 442 trang với các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia và hơn 50 quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam có tỷ lệ 49% người dân đánh giá "giáo dục có tham nhũng hoặc tham nhũng cao".

Lý do chính khiến ngành giáo dục có nguy cơ tham nhũng cao là nguồn lực lớn được phân bổ thông qua các cấp hành chính rườm rà, nhiều cấp, trong khi sự giám sát lại không đầy đủ.

Mặt khác, do giáo dục mang tính chất quyết định tương lai của con cái nên các bậc cha mẹ thường dễ dàng bị lôi kéo vào trào lưu chạy đua với mong muốn cho con cái cơ hội học hành tốt nhất. Chính trong tâm thế ấy đã khiến các bậc phụ huynh không nhận thức được, hoặc cố tình làm ngơ trước những hành vi bất hợp pháp.

Có thể nói, tham nhũng trong giáo dục đang cản trở nghiêm trọng đối với giáo dục chất lượng cao cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, hủy hoại uy tín của ngành giáo dục ở nhiều quốc gia. Những hành vi tham nhũng làm xói mòn chất lượng giáo dục, gây ra nhiều hậu quả nguy hại, làm giảm đi cơ hội tiếp cận giáo dục của một bộ phận người dân, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng gánh nặng lên các doanh nghiệp và xã hội, ảnh hưởng sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong khi mức độ tham nhũng trong giáo dục đang ngày càng mạnh mẽ hơn thì ở Việt Nam lâu nay chúng ta lại chỉ gọi hành vi này với một "khái niệm" khá khiêm tốn là: "Tham nhũng vặt". Có thể chính từ tâm lý chỉ là chuyện "vặt" đó đang khiến cho tình trạng thêm nghiêm trọng, khi mà sự vặt vãnh đã không chỉ còn đơn giản là nhận quà cáp mỗi dịp lễ nghi, hay lạm thu đầu năm học, mà nó đang còn nổi cộm thêm nhiều vấn đề phức tạp như mua bằng giả, mua bán điểm, mua bằng cấp, chứng chỉ, chạy trường, chạy lớp… Những khoản tham nhũng mà nhiều người cho là "vặt vãnh" vì giá trị vật chất một lần không lớn. Thế nhưng thiệt hại vô hình do nó gây ra thì lại vô cùng lớn. Nó không chỉ tạo sự bất bình đẳng xã hội mà còn đưa vào xã hội những sản phẩm "lỗi", những "mặt hàng" rởm là những luận án vô bổ, những kỹ sư, cử nhân "rỗng tuếch". Điều này sẽ để lại những hệ lụy vô cùng xấu về sau với xã hội.

Dẫu rằng, thời gian qua ngành giáo dục cũng đã có những nỗ lực để thay đổi thực trạng này với những điều chỉnh liên tục quy định về các vấn đề như dạy thêm, tiền trường đầu năm, tuyển sinh trái tuyến… Song phải nhấn mạnh rằng, khi mà sự phi lý đang được xã hội mặc nhiên thừa nhận thì sẽ thật khó có thể loại bỏ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

Chính vì thế, để giải quyết tốt hơn thực trạng này cần bắt đầu từ thái độ ứng xử, nhận thức của xã hội. Nếu chỉ coi những hành vi tiêu cực là "tham nhũng vặt" thì các bậc cha mẹ học sinh dù có biết là sai trái, nhưng trước cái lợi của con em họ sẵn sàng chấp nhận. Thực tế là mọi người đang vẫn làm như vậy…!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng coi thường ”tham nhũng vặt”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.