Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng cố "gõ đầu trẻ"

Hoàng Lê| 09/04/2021 14:18

(HNMCT) - Cuối tuần trước, tại Trường Tiểu học quốc tế Thăng Long nằm trong khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra vòng thi tuyển chọn TOEFL Primary Challenge cấp thành phố năm học 2020 - 2021. Học sinh tiểu học Hà Nội dự thi chủ yếu để tự đánh giá khả năng tiếng Anh của mình theo chuẩn quốc tế. Nhưng dù sao đó cũng là cơ hội để rất đông phụ huynh nô nức đưa con đi thi với niềm tin “ít nhất thì trẻ cũng có cơ hội làm quen với bầu không khí trường thi tiên tiến”.

Bởi thế mà phố nhỏ trong khu đô thị trở nên đông đúc. Phụ huynh ngồi chật các quán cà phê. Hai giờ chờ đợi thành cơ hội để các bố mẹ giao lưu với nội dung chủ đạo không có gì khác ngoài sự học của con trẻ. Chuyện từ một cuộc thi vòng sang vấn đề “trường chuyên lớp chọn”, những thầy X ở phố Đỗ Quang dạy thêm rất giỏi đến cô Y ở chung cư N dạy ngoại ngữ rất tài. Rồi là kinh nghiệm kèm con học vào buổi tối... Đến chuyện “cùng con giải toán” thì không khí giao lưu u ám hẳn. Chỉ ít người tự nhận hoàn thành tốt việc thay thầy dạy con, số còn lại “bó tay” vì nhiều nguyên nhân.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng nghĩ rộng ra thì có thể dễ thấy rằng phụ huynh ở Việt Nam vô cùng quan tâm tới việc học của con trẻ. Chả thế mà cách đây khoảng 3 - 4 năm, kết quả khảo sát về thời gian phụ huynh giúp con học tập do một quỹ giáo dục tại Anh thực hiện đã cho thấy người Việt Nam dành khoảng 10 giờ/tuần cho việc này, đứng thứ hai trong số 29 quốc gia được khảo sát.

Giờ đây, dường như trẻ em học tập mọi lúc mọi nơi. Bài tập về nhà thì không thoát được. Mối liên lạc giữa nhà trường và gia đình là không thể thiếu. Thế là sinh ra lập nhóm Zalo. Có group phụ huynh với nhau, nhóm giáo viên - phụ huynh cũng có, rồi là nhóm “phụ huynh chủ chốt” và giáo viên chủ nhiệm... Cứ tối tối là phụ huynh lên mạng, có lúc loạn hết cả lên. “Các mẹ cho em hỏi, có ai biết cách giải bài cô giao về nhà không?”. “Sao em lên mạng rồi mà vẫn không giải được bài hôm nay của con?”. “Mẹ nào có ở đây chụp hộ em bài tập hôm nay với, con em quên vở ở lớp rồi”… Nhưng không phải ai cũng giỏi việc này nên dễ gây họa khi khiến con hiểu sai kiến thức nền, trở nên thụ động, khóc lóc ỉ ôi vì bị mắng, chỉ nghĩ đến học đã thấy sợ....

Tôi có người quen, tối tối vẫn xoay vần cùng con gái học lớp 5 sau khi đã bã người với việc cơ quan. Nhưng chị bảo rằng 10 giờ/tuần thì không đủ, có khi 11h đêm mà mẹ con còn toát mồ hôi, cuối cùng bài vẫn phải để lại để hôm sau con hỏi lại cô giáo. Kết luận là: Thời gian và hiệu quả đối với việc học cùng con không phải là mối quan hệ nhân quả. Trừ những bố mẹ là giáo viên, còn phần nhiều phụ huynh không đủ điều kiện để dạy học - dù là dạy mỗi con mình, ở bậc tiểu học. Kiến thức (của cha mẹ) rơi rớt sau hàng chục năm, chương trình cũ - chương trình mới, phương pháp sư phạm, cách ứng xử, mối quan tâm nhiều - ít, điều kiện kinh tế, điều kiện học tập ở nhà, thời gian rảnh rỗi của cha mẹ… Thiếu đi vài yếu tố này, những buổi dạy con có khi trở thành thảm họa.

Ở Việt Nam, về cơ bản thì gia đình - nhà trường - xã hội cùng phối hợp chăm lo toàn diện cho thế hệ trẻ. Nhà trường và gia đình giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục, trong đó, gia đình có ảnh hưởng quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách ở trẻ. Tổng thể là vậy, nhưng không phải điều gì trao vào tay gia đình cũng cho ra thành quả tối ưu, chẳng hạn như việc phụ huynh dạy trẻ học kiến thức ở nhà. Dạy người thì được, nhưng dạy kiến thức thì chưa chắc.

Bởi thế, nghĩ lại thì thấy quyết định giải quyết vấn đề khó giải bằng cách “mai đến trường nhờ cô giáo giảng lại cho con” tốt hơn hành động "cố gõ đầu trẻ bằng mọi giá” rất nhiều. Rõ ràng trong việc dạy con học đa số phụ huynh không thể thay thầy cô giáo, bởi nếu thay thế được thì xã hội sinh ra ngành đào tạo sư phạm làm gì!?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng cố "gõ đầu trẻ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.