Thế giới

Đức mở rộng kiểm soát biên giới, nhiều nước EU phản đối

Kim Phượng 16/09/2024 - 15:47

Theo AFP, từ hôm nay (16-9), Đức sẽ mở rộng kiểm soát biên giới với 9 nước láng giềng và gây ra sự phản đối từ các thành viên Liên minh châu Âu (EU).

duc-kiem-soat-bien-gioi.jpg
Đức mở rộng kiểm soát biên giới với tất cả chín nước láng giềng. Ảnh: Odd Andersen

Ngày 15-9, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết, bước đi này nhằm hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp, ngăn chặn tội phạm và những kẻ Hồi giáo cực đoan ngay từ giai đoạn đầu. Các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được áp dụng trong 6 tháng.

Theo Bộ trưởng Nancy Faeser, chính phủ hy vọng có thể giảm thiểu tác động đến người dân sinh sống và làm việc ở các khu vực biên giới, đồng thời cam kết "phối hợp với các nước láng giềng". Tuy nhiên, Bộ Nội vụ lưu ý rằng du khách nên mang theo giấy tờ tùy thân khi qua biên giới.

Trong những tuần gần đây, một loạt vụ tấn công cực đoan đã gây chấn động nước Đức, làm gia tăng sự phẫn nộ của dân chúng. Tháng trước, một người đàn ông đã tấn công bằng dao, khiến 3 người thiệt mạng và làm bị thương 8 người khác tại một lễ hội ở thành phố Solingen. Nghi phạm là người Syria, bị cáo buộc có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, từng bị trục xuất nhưng đã trốn thoát được.

Với cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đang chịu áp lực chính trị rất lớn để thắt chặt các chính sách với người di cư và người xin tị nạn. Ông Scholz đã đến Uzbekistan hôm 15-9 để ký một thỏa thuận di cư cho phép người lao động đến Đức, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục trục xuất theo hướng ngược lại để "những người phải quay về sẽ được quay về".

Chính phủ Đức đã đưa ra kế hoạch đẩy nhanh tiến độ trục xuất đối với các đối tác châu Âu. Theo quy định của EU, các yêu cầu tị nạn phải do quốc gia nơi đến xử lý. Hệ thống này đã gây áp lực rất lớn cho các quốc gia ở vùng ngoại vi châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo yêu cầu chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, việc Đức thắt chặt biên giới có nghĩa là "về cơ bản sẽ đổ trách nhiệm cho các quốc gia nằm ở biên giới bên ngoài của châu Âu". Còn Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho biết, nước ông "sẽ không chấp nhận những người bị Đức từ chối", trong khi Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lên án động thái của Đức là "không thể chấp nhận được".

Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn trong giai đoạn 2015-2016, nhiều người trong số họ là người Syria và đã tiếp nhận hơn 1 triệu người Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra bắt đầu vào năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đức mở rộng kiểm soát biên giới, nhiều nước EU phản đối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.