Hiện ngành Nông nghiệp Thủ đô đang phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các hội nghị giới thiệu, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Qua đó, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng những mặt hàng nông sản an toàn được cung cấp trên thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền (phường Văn Quán, quận Hà Đông), thông qua các buổi tuyên truyền, giới thiệu những cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn quận Hà Đông và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình bà đã chuyển sang sử dụng thực phẩm sạch tại cửa hàng tiện ích và siêu thị. Mặc dù, giá các mặt hàng nông sản tại các kênh phân phối hiện đại cao hơn so với sản phẩm bán tại chợ truyền thống, nhưng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giúp gia đình yên tâm.
Còn bà Đinh Thị Thu Hà (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho biết: “Từ lâu tôi đã mua rau, thịt ở các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn và thấy chất lượng khác hẳn so với mua các mặt hàng này tại chợ dân sinh”.
Để đưa sản phẩm, hàng hóa bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng và tiếp cận được các kênh phân phối hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ thông tin, công ty thường xuyên tổ chức các hội nghị giới thiệu quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là một việc làm thiết thực để người dân có thể trực tiếp hiểu hơn về thực phẩm sạch; đồng thời, nhận định được người tiêu dùng hay các nhà phân phối quan tâm như thế nào đến sản phẩm của doanh nghiệp...
Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành Nguyễn Thị Vân Anh (quận Nam Từ Liêm) cho hay, nhờ tham gia nhiều hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, công ty biết được nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng có nhu cầu mua và sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Do đó, trong thời gian tới, công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Sở đã tổ chức gần 60 buổi hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho gần 6.000 người tham dự. Trong đó, tập trung phổ biến điều kiện, quy định trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, hướng dẫn quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP, HACCP, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật văn bản mới cho cán bộ quản lý, hướng dẫn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Để xây dựng được thương hiệu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, các doanh nghiệp không chỉ cần phát triển vùng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM, mà còn cần tập trung tổ chức sơ chế, đóng gói sản phẩm theo quy trình khép kín, bảo đảm sản phẩm an toàn, chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.