Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nghệ thuật hàn lâm đến với thiếu nhi

Yên Nga| 13/05/2017 06:54

(HNM) - Tháng 5 là thời điểm các đơn vị nghệ thuật xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Bên cạnh những chương trình ca múa nhạc mang ý nghĩa giải trí đơn thuần, vài năm gần đây, ở Hà Nội đã xuất hiện những chương trình, dự án nghệ thuật hàn lâm dành cho trẻ em, tạo nên màu sắc mới cho mùa diễn.


Hòa nhạc, kịch, ballet dành cho trẻ em

Mùa diễn năm nay, với thiếu nhi, đáng chú ý là chương trình hòa nhạc "Peter và chó sói" do Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội thực hiện vào tối 28-5, tại Phòng hòa nhạc lớn - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (77 Hào Nam, Hà Nội). Đưa âm nhạc giao hưởng đến gần công chúng, nhất là trẻ em, là mong mỏi của mọi thành viên dàn nhạc. Bởi, hơn ai hết, họ biết tác dụng của âm nhạc giao hưởng đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của trẻ em.


Một cảnh trong vở kịch “Con chim xanh” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn.


"Peter và chó sói" - tác phẩm "đinh" trong chương trình nói trên - là sáng tác cổ điển thuần khiết, trong sáng dành riêng cho trẻ em của nhà soạn nhạc lừng danh người Ukraine Sergie Prokofiev. Tác phẩm mở ra thế giới âm thanh rực rỡ sắc màu, có sức cuốn hút. Nó phù hợp với trẻ em còn bởi "Peter và chó sói" cần có người dẫn chuyện, với yêu cầu am hiểu về dàn nhạc giao hưởng, đọc được tổng phổ và có khả năng diễn xuất. Giảng viên Đặng Châu Anh, người đã từng tốt nghiệp chuyên ngành chỉ huy, từng là giám khảo của chương trình "Đồ rê mí", đã được chọn cho "vai" này. Bởi vậy, dù là một tác phẩm dài hơn 1 giờ nhưng những người thực hiện khá tự tin về sức hút từ đầu đến cuối đối với các em nhỏ.

Hè năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ và các nghệ sĩ tài năng của Bỉ đã dàn dựng vở kịch thiếu nhi kinh điển "Con chim xanh" của tác giả Maurice Maeterlinck. Tác phẩm ra đời từ hơn một thế kỷ trước, có nhiều phiên bản đã được biểu diễn. Đạo diễn Xavier Lukowski đã chuyển tải câu chuyện thần thoại về hành trình kiếm tìm con chim xanh - sứ giả hạnh phúc - của hai em bé để chữa bệnh cho bạn. Vở diễn mở ra thế giới cổ tích muôn màu, hướng đến giá trị nhân văn sâu sắc.

Không chỉ có chương trình biểu diễn, mùa hè năm nay, nhiều dự án nghệ thuật dành cho trẻ em đã được khởi xướng. Trung tâm Polaris Art & Music school khởi động dự án "Mùa hè nghệ thuật 2017" với chuỗi hoạt động khám phá nghệ thuật (thanh nhạc, violon, guitar, trống, ballet, hội họa...) miễn phí vào mỗi cuối tuần. Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang, Giám đốc Truyền thông của trung tâm này cho biết: "Hiện đã là năm thứ tư chúng tôi duy trì hoạt động này với mong muốn vun đắp kiến thức văn hóa nền và mở cánh cửa tiếp cận nghệ thuật thế giới cho trẻ em Việt Nam". Ngoài dự án, Polaris Art & Music school còn đưa vào hoạt động mô hình trại hè nghệ thuật kết hợp "sống xanh". Đó là một chuỗi hoạt động diễn ra liên tục trong hai tuần, xoay quanh chủ đề âm nhạc, hội họa, khoa học, sáng tạo bền vững, công dân toàn cầu, khuyến khích trẻ đến với nghệ thuật và tham gia bảo vệ môi trường...

Cần sự tận tâm của người lớn

Đó là suy nghĩ của nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành - nhạc trưởng Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội khi quyết định tổ chức chương trình hòa nhạc giao hưởng dành riêng cho trẻ em. Chọn một câu chuyện hấp dẫn, các nghệ sĩ mong muốn giới thiệu với các em về âm nhạc giao hưởng, từng nhạc cụ trong dàn nhạc và thế nào là một buổi hòa nhạc. Với bản tổng phổ chuẩn mực của Prokofiev, các nhạc cụ trở nên đáng chú ý hơn khi chúng đại diện cho nhân vật trong câu chuyện: Âm thanh sáo chính là tiếng chim, âm rền của trống tựa tiếng súng của người thợ săn, kèn oboa cất lên như tiếng vịt kêu, tiếng mèo kêu được thể hiện bằng clarinet, kèn fagot thay lời ông nội và bộ nhạc cụ dây khắc họa hình ảnh Peter... Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành nói: "Trẻ em là đối tượng khán giả đáng quan tâm, trân trọng như bất cứ ai. Việc thiếu vắng chương trình nghệ thuật chất lượng và phù hợp với các em là điều mà người lớn phải suy nghĩ".

Theo nhạc sĩ Hoàng Thu Trang, trẻ em luôn yêu thích nghệ thuật, chúng sẽ nhiệt tình hưởng ứng nếu có cơ hội tiếp cận. Vấn đề là người lớn đáp ứng nhu cầu đó như thế nào, có muốn bồi dưỡng trí tuệ, tâm hồn hay chỉ muốn giúp trẻ vui chơi trong chốc lát? "Làm chương trình nghệ thuật cho trẻ em không hề đơn giản. Điều quan trọng nhất là cái tâm của người tổ chức. Phải dốc tâm huyết tìm kiếm, lên ý tưởng, dàn dựng thì mới mong tạo ra mô hình hoạt động nghệ thuật vừa hấp dẫn vừa có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ", nhạc sĩ Hoàng Thu Trang chia sẻ.

Tìm tác phẩm hay dành cho thiếu nhi trong kho tàng nghệ thuật thế giới đã khó, ở Việt Nam, việc đó còn khó hơn do không có nhiều sáng tác dành cho đối tượng này. Vào hè, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hay dịp Trung thu... thường thấy sự xuất hiện của các chương trình ca múa nhạc, hài kịch được xây dựng từ lâu, thiếu yếu tố mới và sự nâng cao. Đó là điều cần thay đổi. Theo nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành, mục đích của anh và những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc hàn lâm không phải là phục vụ trẻ theo kỳ cuộc, trong ngắn hạn. "Đó chỉ là sự khởi đầu để giúp trẻ làm quen với âm nhạc giao hưởng. Chúng tôi muốn thuyết phục các em bước vào thế giới nghệ thuật hàn lâm với hàng nghìn tác phẩm đỉnh cao, phù hợp với mọi lứa tuổi", nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành nói.

Sự cố gắng của các nghệ sĩ là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của con trẻ, điều quan trọng là phụ huynh phải thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này bằng hành động thực tế và tạo điều kiện cho các em khám phá nghệ thuật!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nghệ thuật hàn lâm đến với thiếu nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.