(HNM) - Thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi theo hướng chuyển sang mua bán trực tuyến (online). Bắt nhịp với thực tế phát triển, hỗ trợ thiết thực cho nông dân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm thúc đẩy bán hàng trên nền tảng số, mở "chợ" trực tuyến giúp các chuỗi liên kết cung ứng nông sản thông suốt. Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương vào vụ thu hoạch và dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Trăn trở việc tiêu thụ nông sản
Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Lương Văn Phương cho biết, đơn vị có gần 1.000 cây bưởi đỏ. Thời điểm thu hoạch bưởi từ nay đến Tết Nguyên đán dự kiến cho sản lượng khoảng 50 tấn. Đây là giống bưởi quý nhưng nhiều năm qua người dân trong xã chủ yếu bán cho thương lái tới địa phương thu mua nên giá chưa được như mong muốn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hộ trồng bưởi lo lắng hơn về đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là trăn trở của nông dân nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 174.400ha đất nông nghiệp (chiếm 51,93% tổng diện tích toàn thành phố). Những năm qua, từ việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, giá trị kinh tế cao. Trong đó, Hà Nội duy trì hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao với diện tích 40.000ha; hình thành 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên; 47 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung quy mô từ 20ha trở lên và 40 vùng trồng cây ăn quả các loại...
Từ nay đến cuối năm 2021 đầu năm 2022, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội sẽ bước vào thu hoạch như: Bưởi với diện tích 5.331ha, sản lượng dự kiến 90.627 tấn; cam, quýt diện tích 757ha, sản lượng dự kiến 6.793,7 tấn; táo diện tích 602ha, sản lượng dự kiến 8.127 tấn; chuối diện tích 1.640ha, sản lượng dự kiến 41.328 tấn và rất nhiều loại rau, màu vụ đông… Do đó, việc chủ động các giải pháp tiêu thụ nông sản để nông dân không chỉ được mùa mà còn được giá là rất quan trọng.
Thiết thực hỗ trợ người nông dân
Lần đầu tiên “lên sóng” bán hàng online tại “Chợ đêm trên mây” phiên thứ tư do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao Lương Văn Phương đã tiêu thụ được hàng trăm quả bưởi. “Đây là cơ hội để hợp tác xã tiếp cận với kênh bán hàng mới, chủ động quảng bá và tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Ngoài phát trực tiếp (livestream), năm nay, một số sàn thương mại điện tử cũng đặt vấn đề với hợp tác xã đưa sản phẩm qua kênh phân phối của họ, mở hướng đi mới cho người nông dân”, ông Lương Văn Phương cho biết.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin: Qua các kênh bán hàng online, thời gian vừa qua, hơn 4.000 tấn nhãn chín muộn của nông dân trên địa bàn huyện đã được tiêu thụ hết. Người trồng nhãn rất phấn khởi bởi thời điểm thu hoạch cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc mua bán qua chợ truyền thống không thể thực hiện.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kiêm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để giúp các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp học trực tuyến miễn phí về bán hàng online, livestream… Với sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, chuyên gia, các đối tượng theo học đã có thể chủ động xây dựng kịch bản, quay clip bán hàng trực tuyến theo hướng chuyên nghiệp.
Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức và duy trì các phiên chợ bán hàng online vào tối thứ sáu hằng tuần với tên gọi “Chợ đêm trên mây” nhằm tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi hoàn thành khóa học. Người bán khi tham gia phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng của sản phẩm và người tiêu dùng mua sản phẩm qua “Chợ đêm trên mây” sẽ được thụ hưởng các chương trình khuyến mãi, quà tặng...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tăng cường giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp duy trì và phát triển chuỗi cung ứng nông sản qua thương mại điện tử. Đây cũng là mục tiêu Hà Nội hướng tới để người nông dân kịp thời tiếp cận với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại điện tử đã và đang giúp người sản xuất và người tiêu dùng “gặp” nhau, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ và nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đang, sẽ vào vụ thu hoạch thì điều này càng thêm ý nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.