Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ cho các đại sứ trực tiếp tham gia vào quá trình xuất khẩu những mặt hàng nông sản mới tại các thị trường xuất khẩu.
Chiều 18-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời chất vấn về nhóm nội dung thuộc lĩnh vực ngoại giao tại khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc nâng cấp các cửa khẩu để các địa phương phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu thương mại được đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của Việt Nam với đối tác láng giềng xung quanh, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua. Những kết quả quan trọng này sẽ giúp cho việc triển khai ngoại giao kinh tế cũng như hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
“Phát triển các cửa khẩu, nâng cấp các cửa khẩu là mục tiêu mà chúng ta đang làm để biến đường biên giới hòa bình, hữu nghị thành hợp tác và phát triển. Việc mở các cửa khẩu không chỉ là thông thương hàng hóa mà chính là giao lưu giữa người dân của hai nước tăng lên rất nhiều”, Bộ trưởng nói.
Về tầm quan trọng của quy hoạch các cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền được đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân giao lưu, thông thương hàng hóa.
Trong gian đoạn mới, nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng, việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu là nhiệm vụ rất quan trọng không phải chỉ của các cơ quan trung ương và của các địa phương.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở trung ương, phối hợp với các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh. Do đó, phải có sự phối hợp các bộ, ngành, đồng thời trao đổi với phía đối tác, nhất là 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia để thống nhất triển khai.
Trả lời vấn đề về xuất nhập khẩu của ta sang một số đối tác còn khó khăn do đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai những đột phá để thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu với các đối tác. Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất và đã đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với 68 quốc gia trên thế giới để thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Kể cả trong đại dịch Covid-19 xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, năm 2023 xuất khẩu sang một số nước Liên minh châu Âu bị giảm là do các nước bạn cũng gặp khó khăn về kinh tế do đó nhu cầu nhập khẩu giảm; đồng thời các nước có những quy định mới, chính sách mới. Do đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp thông tin đến các bộ, ngành và các doanh nghiệp về những quy định mới để tiếp tục tháo gỡ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) về việc đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đưa nông lâm thủy sản ra thế giới thời gian qua được triển khai rất hiệu quả.
Bộ Ngoại giao cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Hiện Bộ Ngoại giao cũng đang tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ biết các chính sách mới về an toàn thực phẩm, chính sách về các sản phẩm liên quan đến gỗ và rừng, vấn đề gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu…
"Bộ Ngoại giao cũng giao nhiệm vụ cho các đại sứ trực tiếp tham gia vào quá trình xuất khẩu những mặt hàng nông sản mới tại các thị trường xuất khẩu", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.