(HNM) - Vở diễn “Đứa con tội phạm” của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa ra mắt khán giả. Tác phẩm giàu tính hiện thực, được coi là sự tiếp nối thành công sau loạt tác phẩm chính kịch trước đó như
Tác giả Lê Chí Trung là nhà viết kịch được xếp vào hàng đắt show bậc nhất hiện nay, đã cùng vị đạo diễn tài năng, giàu kinh nghiệm - NSND Doãn Hoàng Giang - tạo nên sự kết hợp đáng để người xem chờ đợi trong "Đứa con tội phạm".
Chuyện kịch kể về gia đình của một vị thứ trưởng. Vì công việc bận rộn, lại thương con mất mẹ sớm nên ông khá chiều con. Lớn lên trong môi trường dễ dãi, lại cảm thấy như mất thêm cả tình yêu thương từ bố khi ông lấy vợ mới, Nam không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, thả mình vào những trò quấy phá. Và, một lần, cậu rủ bạn đóng giả cảnh sát cơ động để đi cướp giật, gây ra vụ tai nạn khiến một nghệ sĩ múa đầy triển vọng bị gãy chân. Sau nỗi dằn vặt trước lỗi lầm của con mình, lương tâm cắn rứt khi cấp dưới bỏ tiền mua sự im lặng của gia đình nạn nhân và thu xếp người nhận tội thay con, ông thứ trưởng đã quyết định để con mình tự chịu trách nhiệm với ý nghĩ: Cái ác phải bị chặn đứng nếu không muốn nó tiếp tục xảy ra... Bằng cách kể chuyện gần gũi, phản ánh một hiện tượng có thực trong xã hội, vở diễn thu hút sự chú ý của người xem từ đầu tới cuối.
Từ lâu, Nhà hát Kịch Hà Nội đã hình thành được phong cách biểu diễn riêng nhờ có dàn diễn viên đa tài. Nghệ sĩ Phú Thăng vào vai Thứ trưởng Kim - nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp - một cách xuất sắc. Anh thể hiện sự hoang mang, bất lực trước đứa con ngỗ nghịch, nỗi dằn vặt mà không cần lên gân, lớn tiếng nhưng vẫn khiến khán giả xúc động. NSƯT Bích Thủy (vai mẹ ông Kim) thể hiện tốt hình ảnh một người mẹ, người bà yêu thương con cháu thái quá và xuê xoa, mù quáng trước tội lỗi của cháu mình... Chi tiết người mẹ, người bà nâng cái đòn gánh lên đầy quyết liệt mà không thể hạ xuống người cháu ruột của mình có sức thuyết phục rất cao, lột tả tính cách nhân vật mà không cần thoại.
Theo dõi vở diễn, cần phải ghi nhận cố gắng của tập thể nghệ sĩ gồm NSƯT Thu Hà, NSƯT Thu Hạnh và các diễn viên trẻ như Ngọc Quỳnh, Thiện Tùng, Mạnh Hưng, Thùy Dương, Trọng Lân, Thúy An, Thùy Anh... Tuy nhiên, cũng có một số cảnh, một số lớp cần được xử lý tốt hơn để chất hiện thực thấm đẫm trong vở diễn không bị nhòe. Như về thương tật của nhân vật nghệ sĩ múa, nếu giả định là gãy nát cả đôi chân, không thể phục hồi thì hình ảnh đôi chân bị cắt bỏ hợp lý hơn là còn nguyên vẹn dưới lớp băng chằng chịt - như đã thấy trong vở diễn. Cách phản ứng của mẹ nạn nhân cũng chưa hợp lý. Thông thường, khi thấy con mình gặp chuyện không may, người mẹ nào cũng sẽ lên tiếng đòi kẻ gây ra hậu quả phải chịu hình phạt thích đáng chứ không thể có tâm lý cam chịu như trong vở kịch.
NSND Doãn Hoàng Giang đã sửa kịch bản, tạo đất diễn sâu hơn cho Nam và cậu bạn nhằm khắc họa tính cách khác nhau giữa hai nhân vật này. Ông cũng mạnh dạn bỏ nhân vật luật sư trong kịch bản vốn được đưa vào chỉ để phát biểu thay cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, một số chi tiết mà ông sửa đã vô tình làm ảnh hưởng tới việc "mở nút" câu chuyện. Nói vậy là bởi trong kịch bản gốc, sau khi chứng kiến nỗi đau, sự mất mát của nạn nhân, Thứ trưởng Kim đã bố trí để mẹ và con trai mình trực tiếp đối diện với gia đình nạn nhân, khiến cả hai phía đều nhận ra "vấn đề" của mình. Nhưng tiếc là đạo diễn đã bỏ qua đoạn này…
Dù còn vài điểm chưa thật sự thuyết phục nhưng "Đứa con tội phạm" được đánh giá là thành công khi tái hiện chân thực cuộc sống, tạo nên một mảnh ghép sắc sảo cho kịch mục chính luận của Nhà hát Kịch Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.