Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch trái cây: Hướng đi của nông nghiệp hiện đại

Bạch Thanh| 14/09/2022 06:27

(HNM) - Trái cây là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, việc đưa máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất, thu hoạch là hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch trái cây vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cần triển khai đồng bộ giải pháp để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại…

Hệ thống dây cáp vận chuyển sản phẩm chuối từ vườn về nhà xưởng của Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An).

Hiệu quả cao nếu áp dụng cơ giới hóa

Trang trại trồng chuối rộng 120ha của Công ty TNHH Huy Long An ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) được đầu tư hệ thống dây cáp dài 33km để vận chuyển sản phẩm từ vườn về nhà xưởng. Với hệ thống dây cáp, chỉ trong một buổi sáng 5 nhân công có thể thu hoạch được 10 tấn chuối. Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, năng suất chuối tại trang trại đạt 60 tấn/ha; sản lượng 10.000 tấn/năm. Chuối của công ty mang thương hiệu FOHLA đã có thị trường ổn định ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo Bộ NN&PTNT, với các mô hình sản xuất trái cây, khi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa thì chi phí đầu tư thấp, năng suất thu hoạch cao hơn 30% so với thu hoạch thủ công, chất lượng sản phẩm tốt, không nhiễm khuẩn, không bị dập, đạt yêu cầu xuất khẩu. Hiện cả nước có 1,18 triệu héc ta vườn trồng cây ăn quả. Qua đánh giá, trong sản xuất trái cây, cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%, khâu chăm sóc đạt 70-80%, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch chỉ khoảng 20%.

Tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương, việc đưa cơ giới hóa vào lĩnh vực này vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Oánh, hộ trồng bưởi ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch là 2 khâu cuối nhưng quyết định đến 80% hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp có rất ít mô hình điểm và còn lúng túng trong lựa chọn công nghệ phù hợp để giới thiệu cho nông dân. Hiện tại, 2 khâu này trong sản xuất bưởi của địa phương vẫn áp dụng biện pháp thủ công.

Về những hạn chế nêu trên, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) lý giải: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Còn ông Sài Văn Triệu, một hộ trồng chuối tại xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh chia sẻ: Chúng tôi muốn lắp hệ thống cáp để vận chuyển cũng như máy sục rửa trái cây sau thu hoạch nhưng nguồn vốn đầu tư lớn, hạ tầng giao thông nội đồng, đường điện… còn nhiều bất cập, nên lực bất tòng tâm.

Ở góc nhìn khác, theo Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Tiến, cây ăn quả thường là thân gỗ, có chiều cao trung bình lớn, tán rộng, nhiều lá, nhưng người nông dân thường trồng với mật độ cao hơn nhiều so với quy định. Thêm nữa, hiện vẫn chưa có các loại máy phù hợp, bảo đảm về chất lượng, số lượng phục vụ cơ giới hóa sản xuất...

Thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) thông tin: Hà Nội có hơn 20.000ha cây ăn quả các loại như: Chuối, nhãn, bưởi… Thành phố sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối, tổ chức tham quan học tập để các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp lựa chọn được mô hình phù hợp.

Để cơ giới hóa ngành sản xuất trái cây, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch Nguyễn Đức Long gợi ý, cần xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng để lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với từng loại cây. Cùng với đó là đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa...

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Thịnh (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, trước khi có cơ chế từ Nhà nước, các tổ chức, nông dân phải hỗ trợ nhau. Trong chuỗi liên kết, Cục cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân - ví dụ như đề nghị Big C hỗ trợ hợp tác xã máy rửa trái cây, khoản kinh phí đó sẽ được trừ dần trong quá trình mua bán. Hợp tác là "chìa khóa" giải quyết vấn đề cơ giới hóa.

Ngày 20-7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Thời gian tới, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác quản lý máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp và tổ chức vùng nguyên liệu tập trung để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch trái cây: Hướng đi của nông nghiệp hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.