Lương - Bảo hiểm

Đưa bảo hiểm y tế đến nhóm đối tượng đặc thù

Hà Hiền 11/03/2024 - 07:13

Hiện nay, các cơ quan chức năng Hà Nội tập trung đưa chính sách bảo hiểm y tế đối với một số nhóm đối tượng đặc thù, áp dụng phổ biến từ năm 2024. Những trường hợp thuộc diện thụ hưởng phấn khởi đón nhận nguồn lực trợ giúp về an sinh với niềm tin: Cuộc sống của họ sẽ có thêm điểm tựa, tăng cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giảm rủi ro về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

tuyen-truyen-ve-chinh-sach-.jpg
Tuyên truyền về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội tại quận Hoàng Mai.

Cảm kích trước chính sách nhân văn

Từ cuối năm 2023 đến nay, hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn vùng ngoại thành, các đội tuyên truyền lưu động khu vực nội thành, bảng tin điện tử, bảng tin tại khu dân cư liên tục phát đi thông báo: “Bắt đầu từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 31-12-2025, người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng; người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình thường trú trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế”. Tiếp nhận thông tin, nhiều người dân chủ động tìm hiểu sâu về chính sách hỗ trợ đặc thù này.

Bà Nguyễn Thị Khanh, bán hàng rau tại chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: “Tôi sinh năm 1956, chưa đủ tuổi được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế giai đoạn 2024-2025, nhưng thấy vui vì thành phố quan tâm đến đời sống của người cao tuổi. Nếu chính sách triển khai lâu dài, tôi sẽ được hưởng vào năm 2026 với mức hỗ trợ 100% số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế”. Tương tự, ông Khuất Thành Sơn, trú tại thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Gia đình tôi có thành viên bị khuyết tật nhẹ, không thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định chung. Nay đón nhận tin người khuyết tật nhẹ được mua thẻ an sinh với giá “0 đồng”, chúng tôi rất phấn khởi”.

Ngoài những nhóm đối tượng đặc thù nêu trên, năm 2024, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thường trú tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức); xã Ba Vì, Khánh Thượng, Yên Bài (huyện Ba Vì) được mua thẻ bảo hiểm y tế với số tiền 291.600 đồng/người/năm, tương ứng với 30% mức đóng (hiện nay đóng 972.000 đồng/người/năm). Đại diện cho các địa phương có nhiều người dân thụ hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành cho hay, mức thu nhập của người dân còn thấp, nên không phải gia đình nào cũng đủ khả năng trang bị điểm tựa an sinh cho các thành viên. Do vậy, chính sách hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi là giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thiết thực, bền vững.

Tìm đến đúng đối tượng

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, nhóm đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… được hỗ trợ về bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 6-12-2023 của HĐND thành phố Hà Nội về quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Trước mắt, người dân được thụ hưởng trong 2 năm (2024 và 2025). Đây là chính sách mới, riêng có của Hà Nội, thể hiện sự quan tâm toàn diện đến cuộc sống của mọi người dân. Còn chính sách hỗ trợ 70% mức đóng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc một số xã miền núi là quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Thời gian hưởng là 3 năm, bắt đầu từ tháng 11-2023, nhưng đa số người dân tiếp nhận mức hỗ trợ từ năm 2024, vì trước đó, thẻ bảo hiểm y tế do người dân tự mua còn hạn sử dụng.

Để chính sách hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng, các sở, ban, ngành chức năng, các quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai. Nhờ đó, bước đầu, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xác định có hơn 16.000 người dân được hỗ trợ mức đóng theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Với các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, các bên đang tiến hành rà soát, lập danh sách từng trường hợp đủ điều kiện. Quá trình rà soát gặp không ít khó khăn do một số người cao tuổi thiếu giấy tờ để biết rõ số tuổi. Trong khi đó, yêu cầu về người thụ hưởng phải tuyệt đối chính xác (ví dụ, ông Nguyễn Văn An, sinh ngày 16-3-1954, thì đến ngày 16-3-2024, ông An đủ 70 tuổi và được cấp thẻ bảo hiểm y tế). Ngoài ra, việc xác định “mức sống trung bình” của các hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp làm căn cứ hỗ trợ mức đóng cho nhóm đối tượng này cũng không dễ dàng…

Cố gắng đưa chính sách đến với người dân sớm nhất, hiện một số địa phương đã có danh sách bước đầu. Chẳng hạn, tại huyện Thanh Trì, cơ quan chức năng xác định có hơn 2.500 người đủ điều kiện hưởng, tập trung chủ yếu ở nhóm người cao tuổi. Tương tự, sau rà soát, quận Thanh Xuân dự kiến có hơn 1.000 người đủ điều kiện hưởng… Những địa phương chưa rà soát xong đang quyết liệt, ráo riết thực hiện. “Chúng tôi yêu cầu trước ngày 15-3 tới, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải có kết quả tổng hợp bước đầu về số lượng người thụ hưởng; đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến nói.

Việc đưa bảo hiểm y tế đến một số nhóm đối tượng đặc thù của Hà Nội đang kỳ vọng sẽ mở rộng mạng lưới an sinh, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Điều này phù hợp với chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa bảo hiểm y tế đến nhóm đối tượng đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.