Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đủ điều kiện để thông qua

Bách Sen| 28/11/2013 06:07

(HNM) - Hôm nay (28-11), các ĐBQH sẽ chính thức biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bên lề phiên họp QH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo - một trong những người trực tiếp giúp Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo khẳng định, tất cả các ý kiến góp ý xác đáng của ĐBQH và nhân dân đã được lĩnh hội tối đa.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo.


- Thưa ông, trong quá trình thảo luận tại QH cũng như tiếp thu ý kiến nhân dân, những vấn đề nào của Dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm nhất?

- Đó là vấn đề thành phần kinh tế và chính quyền địa phương. Trong Dự thảo mới nhất, vấn đề chính quyền địa phương đã được xử lý theo hướng mở để phù hợp với diễn biến thực tế. Đối với vấn đề kinh tế, trước đây, chương kinh tế quy định rất dài, nhiều điều, cụ thể. Trong khi đó, kinh tế là lĩnh vực luôn luôn vận động. Quy định càng cụ thể bao nhiêu thì sẽ sớm mang tính lạc hậu bấy nhiêu. Do đó, thay vì quy định cụ thể các thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp lần này nêu: Mô hình kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

- Thế nhưng, có ĐBQH từng đề nghị không ghi kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo vì mâu thuẫn với quy định “các thành phần kinh tế bình đẳng” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thưa ông?

- Tôi cho rằng việc quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Cần hiểu, nội hàm kinh tế Nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không đồng nghĩa với DN nhà nước. DN nhà nước chỉ là một bộ phận, còn kinh tế Nhà nước ở đây bao gồm rộng hơn, gồm cả chính sách và nguồn lực của quốc gia.

- Liên quan tới chương Chính quyền địa phương, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu quan điểm ở đâu có chính quyền ở đó có HĐND. Phải chăng như vậy là thời gian qua việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường không hiệu quả, thưa ông?

- Đã gọi là thí điểm thì kết quả có thể theo hướng này hoặc hướng khác. Vừa qua chúng tôi có nghiên cứu, khảo sát ý kiến cả những nơi thí điểm và cả những nơi không thí điểm và nhận thấy, ý kiến đồng thuận theo hướng không tổ chức HĐND quận, huyện, phường có tỷ lệ khoảng trên 40% và ý kiến giữ nguyên cũng chỉ trên 40% thôi. Có nghĩa là tiêu chí, ranh giới để khẳng định hiệu quả hoạt động của HĐND dưới địa phương là chưa rõ ràng. Theo đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định mở: Xây dựng chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng nơi, từng đơn vị hành chính. Điều này cũng có nghĩa, nếu đơn vị hành chính là một đặc khu về hành chính kinh tế đặc biệt, hay hải đảo chẳng hạn, thì có thể tổ chức chính quyền hai cấp, và như thế có những nơi không nhất thiết phải có đầy đủ cả HĐND và UBND.

- Theo ông, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đủ điều kiện chín muồi để các ĐBQH có thể ấn nút thông qua?

- Đến giờ phút này Dự thảo đã đủ điều kiện để thông qua. Từ những nội dung, cũng như hình thức của Dự thảo đã được chỉnh sửa nghiêm túc. Các thay đổi mới nhất đã đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra là tạo động lực quan trọng phát triển của đất nước. Trong đó, quyền con người đã được phát huy tối đa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đủ điều kiện để thông qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.