Chiều 28-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã phát biểu các ý kiến sâu sắc, toàn diện, tâm huyết, trách nhiệm. Các đại biểu đã thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật.
Liên quan đến việc Chính phủ gửi văn bản góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chậm nên không kịp tiếp thu, hoàn thiện, nêu vấn đề trong báo cáo giải trình, tiếp thu, song ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều nội dung Chính phủ tham gia ý kiến đã được báo cáo, giải trình trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây không hoàn toàn là vấn đề mới, mà đều đã được các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách…
Về áp dụng Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, khi có quy định trong các luật, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo thuận lợi hơn, cần thiết cho việc quản lý, sự phát triển của Thủ đô... Các nội dung này phải báo cáo Chính phủ để xem xét, nếu cần thiết thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 25 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; còn 9 đại biểu đăng ký phát biểu, 1 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng hết thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để các cơ quan tiếp thu, giải trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, các ý kiến phát biểu cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được chỉnh lý.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm vừa bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, đặc biệt là tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội.
Các đại biểu cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo và các đơn vị liên quan rà soát để bảo đảm tính đồng bộ với hai văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo Luật Quy hoạch và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Luật Xây dựng mà Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến ngay tại kỳ họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu, nghiên cứu nghiêm túc, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp trong thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để xem xét, cho ý kiến hoàn chỉnh dự thảo luật với chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.