Chính trị

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua

Mai Hữu ghi 27/05/2024 10:50

Chiều mai (28-5), tại kỳ họp thứ bảy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý và sự hoàn thiện của dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Định hướng phát triển song hành cùng cơ chế

hoangvancuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những thay đổi căn bản và mang tính đột phá với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.

Tại kỳ họp này, bên cạnh xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội sẽ cho ý kiến về 2 quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Để tạo ra định hướng phát triển và mang tính chất đột phá theo các phương án quy hoạch đặt ra thì phải có cơ chế, chính sách để khai thác, huy động, sử dụng tốt nhất các nguồn lực cho phát triển. Cơ chế, chính sách để khai thác, tạo ra nguồn lực tốt nhất để phát triển Thủ đô phải được thể chế hóa thành một khuôn khổ luật pháp.

Việc Quốc hội xem xét 3 nội dung này cùng với nhau vừa tạo ra định hướng phát triển, vừa đưa ra các phương án để thực thi và đưa ra trong khuôn khổ về mặt pháp lý để tạo ra sự thay đổi, đột phá của Thủ đô trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang):
Trở thành động lực dẫn dắt phát triển

tranvanlam.jpg
Đại biểu Trần Văn Lâm.

Sự phát triển của Thủ đô luôn là niềm tự hào chung của cả nước. Thủ đô của Việt Nam sánh vai được với Thủ đô các nước, góp phần nâng vị thế của Việt Nam sánh vai cùng với các nước. Việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là tạo sức lan tỏa, trở thành động lực dẫn dắt cho sự phát triển của cả vùng cũng như đất nước.

Muốn vậy, Luật Thủ đô phải đặt trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương trong vùng và của cả nước. Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo luật cũng như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Quốc hội xem xét đồng thời tại kỳ họp thứ bảy. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự sẻ chia, đóng góp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn):
Đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng

phamtrongnghia.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa.

Tôi đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ sáu và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm.

Vấn đề tôi quan tâm là các quy định về phát triển văn hóa. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra mục tiêu Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Nghị quyết số 30-NQ/TƯ yêu cầu “phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước”.

Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hóa Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ đó, bổ sung các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô, song song với khen thưởng và xử phạt cũng như bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Thủ đô trong dự thảo luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.