Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Thủ đô: Cần làm rõ tính đặc thù

Hà Phong| 16/09/2010 06:34

(HNM) - 20 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô mới nhất xuất phát từ ý tưởng nào, nhằm mục đích gì, giải quyết những vấn đề nào, lợi hại với ai, căn cứ vào đâu?... chính là những vấn đề các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Không biến Hà Nội thành "vương quốc" riêng


Mục tiêu chính của Luật Thủ đô là xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện phát triển Thủ đô Ảnh: Linh Tâm


Bản dự thảo Luật Thủ đô mới nhất được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình UBTV Quốc hội gồm 4 chương, 36 điều với 20 chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cũng như quản lý đô thị, môi trường... mà Hà Nội đang phải đối mặt. Ban soạn thảo khẳng định, các quy định mới mà bản dự thảo Luật Thủ đô đề cập đều tương đối khó, tế nhị và nhạy cảm. Thế nên, để bảo đảm tính khả thi, tinh thần chung là phải "hài hòa tối đa có thể", không biến Hà Nội thành "vương quốc" riêng, nhưng phải xử lý được những vấn đề bức xúc hiện hữu của thành phố. Mặt khác, cũng phải đặt được nền móng lâu dài, bền vững cho phát triển của Thủ đô. Chẳng hạn, để chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mức phí thu ở khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực giao thông, xây dựng, trật tự xã hội, môi trường sẽ phải cao hơn nhiều so với quy định hiện hành.

Cùng với đó là các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân. Về mảng quản lý nhà ở, Hà Nội ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, dành diện tích đất xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội nhiều hơn so với quy định chung của pháp luật về nhà ở. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô còn có quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Hà Nội và các tổ chức thành viên khác trong việc huy động người dân Thủ đô tham gia vào việc giám sát và phản biện xã hội với các hoạt động của chính quyền Thủ đô…; làm rõ trách nhiệm của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Điều dễ nhận thấy là các cơ quan của Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn và sẽ nhận được sự chỉ đạo sát sao hơn của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng chưa rõ đặc thù

Trăn trở và mong muốn xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trước yêu cầu CNH, HĐH, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh, từ văn hóa đến lịch sử, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhưng dự thảo Luật Thủ đô chưa có nhiều điều khoản giúp Hà Nội phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh để bứt phá. Do đó, cần thiết phải tập hợp nhiều hơn nữa ý kiến các bộ, ngành liên quan để tạo sự đồng thuận, nhất là về cơ chế tài chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận rất băn khoăn với quy định "vi phạm giao thông tại Hà Nội có thể bị xử phạt gấp 5 lần". Theo ông Thuận, cần lý giải rõ mục đích của việc tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn Hà Nội. Liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô hay vì đặc thù quản lý đô thị ở Hà Nội. Nếu vì những đặc thù trong quản lý của Hà Nội mà tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính thì tại sao chỉ tăng mức phạt đối với 6 lĩnh vực mà không phải tất cả? Việc này cần nghiên cứu kỹ hơn và cũng cần lường trước những bức xúc trong xã hội có thể xảy ra khi doanh nghiệp, người dân phải chịu các chi phí tăng thêm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại nêu ý kiến khác: "Xử phạt nặng như quy định của dự thảo chính là một biện pháp quản lý chứ không phải thể hiện sự bất lực của các cơ quan nhà nước. Vấn đề là tăng cường giám sát khâu thực thi".

Là người nghiên cứu sâu về lĩnh vực giáo dục, GS Đào Trọng Thi cho rằng, để Thủ đô Hà Nội không chỉ là đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa giáo dục, Thủ đô phải quy hoạch lại hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, xây dựng chương trình đào tạo nâng cao xứng tầm các nước trong khu vực và trên thế giới; có đội ngũ giảng viên chất lượng tốt và chế độ chính sách tương ứng. Nhưng chương trình nâng cao không được áp dụng đại trà cho tất cả các em học sinh mà cần triển khai theo nguyên tắc: Học sinh nào có khả năng thì học, nếu không, sẽ là "sự trừng phạt" với học sinh học kém..

Tổng hợp các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan điểm soạn thảo Luật Thủ đô cần quán triệt là tất cả vì cái chung, để xây dựng Thủ đô, "trái tim của cả nước", đô thị đầu não quốc gia, văn minh và hiện đại. Các điều khoản phải làm rõ hơn tính đặc thù của Hà Nội để nâng cao hiệu quả thực thi sau này. Theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội, dự thảo lần này đã có bước tiến dài, song vẫn cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề nghị những cơ chế đặc thù, nhất là về lĩnh vực giáo dục, khoa học, quản lý dân số và giải quyết trẻ lang thang cơ nhỡ. Để tạo đột phá trong quản lý, dự luật phải phản ánh được tư duy mạnh dạn hơn nữa trong phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho Hà Nội và cơ chế quản lý phối hợp của các cơ quan trung ương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô: Cần làm rõ tính đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.