Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Chỉnh sửa để bảo đảm tính khả thi

Hà Phong| 16/09/2022 06:25

(HNM) - Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là luật xương sống của ngành Y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên đang được những người làm nghề mong đợi và dư luận xã hội quan tâm. Sau khi tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, Ban soạn thảo dự thảo luật đã đưa thêm các giải pháp, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế thực tiễn phát sinh, song vẫn cần những chỉnh sửa để bảo đảm tính khả thi.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Thêm nhiều quy định mới

Dự thảo luật công bố tháng 9-2022 sau khi chỉnh lý gồm 12 chương, 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội. Vấn đề được người lao động ngành Y tế đặc biệt quan tâm góp ý là về hợp tác công tư; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng chỉ giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá, còn thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề sẽ giao các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thực hiện. Liên quan đến giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đề xuất mỗi cơ sở có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn, song, bắt buộc phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu do Bộ Y tế ban hành.

Giá khám, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ sở cung cấp, niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Với hoạt động mới là khám bệnh, chữa bệnh từ xa, trước mắt, chỉ quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính ổn định của pháp luật.

Đáng lưu ý, đang có hai loại ý kiến khác nhau liên quan đến quy định cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên cấm các cơ sở khám, chữa bệnh khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Loại ý kiến thứ hai nêu quan điểm, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... nên cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng.

Phải hài hòa công tư

Trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh gia tăng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, việc dự thảo luật đang quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ sở cung cấp cần phải nghiên cứu thêm. Bởi giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển đã được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo hướng đi này, cần  giao Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở y tế về vay vốn, miễn giảm thuế, bổ sung kinh phí khi nguồn thu bị sụt giảm, không bảo đảm chi cho các hoạt động của cơ sở y tế. Cụ thể là Chính phủ ban hành các chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở y tế để đầu tư các trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện; bổ sung kinh phí bảo đảm cho hoạt động của bệnh viện khi thu không đủ bù chi.

Nhấn mạnh y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua khu vực công có rất nhiều y, bác sĩ đã xin thôi việc hoặc chuyển công tác dù đã có thời gian gắn bó lâu dài, khiến quyền lợi người bệnh bị ảnh hưởng, bà Đoàn Thị Gái (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) nêu quan điểm, nhiều vấn đề đang xảy ra hiện nay không nằm ở câu chuyện chuyên môn mà nằm tại các điều kiện bảo đảm (giá, tự chủ, thiết bị…) nhưng dự thảo luật chưa chú trọng giải pháp gỡ vướng.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, vấn đề hợp tác công tư trong y tế cần xem xét thấu đáo. “Trong lịch sử Việt Nam cũng như trên thế giới không tìm thấy định nghĩa nào cụ thể về “xã hội hóa” y tế”, ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

Với lập luận trên, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề xuất về 3 hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hình thức thứ nhất là cho vay, ưu đãi cho các bệnh viện được mua sắm, đầu tư; cụ thể hóa, khuyến khích việc này, để bệnh viện với tư cách pháp nhân có thể vay tiền của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế, đầu tư bằng các nguồn tiền vay đó. Hình thức thứ hai là thuê hai chiều. Chiều thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư nhân như các máy móc đắt tiền, các phương tiện không đủ điều kiện mua. Chiều thứ hai là tư nhân thuê của bệnh viện công. Hình thức thứ ba là hợp tác công tư phi lợi nhuận. Việc này đã được triển khai trên thế giới từ lâu và rất thành công…

Ông Nguyễn Lân Hiếu cũng đề xuất nên khuyến khích mô hình hợp tác công tư phi lợi nhuận và cho rằng chắc chắn khi áp dụng sẽ nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên ngành Y tế cũng như hỗ trợ cho các trường hợp bệnh nhân nghèo khó khăn, tạo được hiệu quả rõ ràng khi luật áp dụng trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Chỉnh sửa để bảo đảm tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.