(HNMCT) - Góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, du lịch nông thôn được dự báo trở thành xu thế tất yếu. Để làm rõ vấn đề này, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Xin ông cho biết vai trò và lợi ích của du lịch nông thôn trong việc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam?
- Du lịch nông thôn góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới, như: Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng cuộc sống tại nông thôn, gìn giữ nghề truyền thống, duy trì sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề, quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ngoài ra, du lịch nông thôn cũng góp phần mở rộng không gian du lịch, làm giảm áp lực quá tải tại khu vực đô thị.
Việc cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tại chỗ sẽ tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch. Thông qua khách du lịch, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương được tiêu dùng trực tiếp, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đem lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, du lịch nông thôn còn hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp bản địa thông qua công tác truyền thông điểm đến, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.
Du lịch nông thôn đem lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội, môi trường, người dân địa phương và khách du lịch nói chung và được coi là cơ hội để các nước đang phát triển tái tạo nền kinh tế.
- Ông đánh giá thế nào về thực tiễn phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam trong thời gian qua?
- Trong những năm gần đây, du lịch nông thôn đã có bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhiều mô hình du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp, nông thôn được đầu tư khai thác. Doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn đã có sự liên kết chặt chẽ; nhiều tour du lịch nông nghiệp, nông thôn độc đáo, chất lượng được du khách đón nhận. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.
Theo thống kê từ các địa phương, cả nước hiện có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Nhiều điểm đến khu vực nông thôn đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm như: Làng rau Trà Quế (Quảng Nam), Làng du lịch cộng đồng Yên Đức (Quảng Ninh), Làng du lịch cộng đồng xã Thủy Thanh, Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế)... Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
- Bên cạnh những kết quả đó, những vấn đề mà du lịch nông thôn đang phải đối mặt là gì?
- Hiện nay, du lịch nông thôn tập trung chủ yếu vào những loại hình như: Du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, du lịch nông trại, du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Nhìn chung, các địa phương đã bước đầu hình thành và phát triển các tuyến, điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch khá phong phú.
Song, có một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Phần lớn sản phẩm du lịch nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản, du khách chủ yếu chi trả cho vé tham quan, ăn uống, lưu trú mà chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ bổ trợ. Nhiều homestay mang tính chất tự phát, dịch vụ hạn chế, thiếu định hướng về bản sắc văn hóa truyền thống. Sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng, nghèo nàn, dễ trùng lặp. Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp chỉ mang tính bổ trợ, chưa thu hút nhiều khách lưu trú.
Về liên kết du lịch, hiện chưa có sự kết nối mang tính liên tỉnh, liên vùng nên chưa kéo dài được thời gian lưu trú và kết nối du khách; chưa có mối liên kết hữu cơ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch nông thôn để tạo nên sản phẩm du lịch đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững khi đưa vào khai thác.
Có một thực trạng phổ biến hiện nay, đó là nhiều địa phương chỉ mới xác định được điểm mà chưa xác định được tuyến du lịch chính, hoặc xác định quá nhiều tuyến nên không có trọng tâm, gây khó khăn trong công tác giới thiệu, quảng bá và kết nối với các đơn vị lữ hành. Đây là mắt xích yếu nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Do phát triển manh mún, tự phát, chưa có cơ chế quản lý thống nhất nên các địa phương chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc sắc cũng như kết nối quảng bá trong và ngoài nước.
- Theo ông, cần làm gì để du lịch nông thôn Việt Nam phát triển trong thời gian tới?
- Đầu tiên, phát triển du lịch nông thôn đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị chu đáo và nghiêm cẩn. Việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ dựa trên tư duy “suy diễn” là cứ có tiềm năng thì có thể phát triển du lịch nông thôn. Và, cũng không thể dựa trên tư duy “quy nạp” là du lịch nông thôn đang là xu thế thịnh hành nên nếu tổ chức du lịch nông thôn thì sẽ sinh lời... Việc phát triển du lịch nông thôn đòi hỏi quá trình điều tra kỹ lưỡng về các điều kiện phát triển du lịch nông thôn ở góc độ cung và cầu. Bên cạnh đó, cần có tư duy sáng tạo để đưa ra các ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, tránh sự trùng lặp. Nói cách khác, tính đặc thù là điểm mấu chốt trong phát triển sản phẩm du lịch nông thôn.
Muốn phát triển du lịch nông thôn thì phải xác định được các bên liên quan, các đặc điểm hình thái của mô hình du lịch nông thôn tại khu vực đó, từ đó vạch rõ nhiệm vụ, vai trò của các bên đối với vấn đề phát triển du lịch nông thôn ở địa phương. Cần có sự đồng thuận cao giữa các bên từ khi xây dựng đến khi dự án đi vào hoạt động.
Du lịch nông thôn phải đảm bảo các yếu tố kinh tế và phi kinh tế. Tức là, bên cạnh làm kinh doanh, hoạt động du lịch cần góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng tại nơi diễn ra hoạt động du lịch; tăng niềm tự hào và sự gắn kết trong cộng đồng; thúc đẩy cách ứng xử bình đẳng với các đối tượng yếu thế, đồng thời có cơ chế thu hút người trẻ tài năng.
Phải đảm bảo sự chia sẻ lợi ích một cách rõ ràng, hợp lý giữa các bên liên quan để duy trì lâu dài hoạt động du lịch. Cần tính toán cả đầu ra của sản phẩm cùng phương án tự vận hành sau khi dự án kết thúc. Cần chú trọng phát huy kỹ năng, cá tính của các cá nhân, đặc biệt là người bản địa, định hướng để họ trở thành nhân lực trụ cột trong phát triển du lịch nông thôn của địa phương.
Trong công tác truyền thông, quảng bá, cần nghiên cứu thị trường, nắm rõ thị hiếu, nhu cầu của du khách. Song song với đó là nghiên cứu, tìm hiểu sự đóng góp của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch nông thôn ở địa phương; giúp họ giữ tâm thế tự chủ bởi lực lượng này là nòng cốt cho sự phát triển bền vững của du lịch nông thôn. Cuối cùng, cần đề cao vai trò tư vấn của các chuyên gia du lịch để tránh việc làm biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường, cảnh quan nguyên bản do không hiểu biết đầy đủ.
Du lịch nông thôn ngày càng có những đóng góp tích cực vào định hướng phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, xu hướng du lịch đang chuyển dịch từ du lịch đại chúng sang du lịch bền vững đã tạo cho du lịch nông thôn động lực to lớn để phát triển. Tôi tin rằng, du lịch nông thôn sẽ phát triển bùng nổ và trở thành xu thế tất yếu của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.