(HNM) - Ngành Du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh phấn đấu năm 2018 trở thành năm đột phá nhằm đưa loại hình này phát triển và tạo bước đệm vững chắc thực hiện thắng lợi kế hoạch thành phố đề ra đến năm 2020.
Du lịch đường thủy đứng trước nhiều cơ hội phát triển. |
Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với tổng chiều dài khai thác trên 1.000km. Trong đó có 975km đã đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý gồm: 7 tuyến/157km là tuyến hàng hải; 9 tuyến/203km tuyến đường thủy nội địa quốc gia; 94 tuyến/612km đường thủy nội địa địa phương và 2 tuyến chuyên dùng.
Không những vậy, TP Hồ Chí Minh có lợi thế từ 2 tuyến sông chính là Sài Gòn và Đồng Nai, cùng hệ thống sông nhỏ, kênh rạch, tạo ra mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này tạo lợi thế vô cùng thuận lợi cho phát triển và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bằng loại hình du lịch đường thủy vốn còn khá mới mẻ này.
Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển 7 tuyến đường thủy nhằm đưa loại hình du lịch này trở thành mũi nhọn, tạo đà thu hút du khách và góp phần phát triển thành phố. Theo đó, điểm xuất phát tập trung từ các bến Bạch Đằng, Cầu Móng (quận 1) và bến Cảng Sài Gòn - Khánh Hội (quận 4), đi các tuyến: Du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; quận 7 (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng); quận 5, 6, 8 qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ; quận 9, Đồng Nai; huyện Cần Giờ, Vũng Tàu; Bình Dương, huyện Củ Chi và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Song song đó, TP Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động 2 tuyến du lịch đường thủy là tuyến buýt sông số 1 (bến Bạch Đằng - Linh Đông) dài gần 11km và tuyến tàu cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Giờ - Vũng Tàu dài gần 90km, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và thu hút lượng khách du lịch đáng kể.
Để tăng tính kết nối cho các luồng tuyến và loại hình vận tải khác, TP Hồ Chí Minh đang đầu tư xây dựng hoàn thiện các cảng, bến và khu vực neo đậu chờ. Cụ thể, khu vực cảng tàu khách quốc tế tại Mũi Đèn Đỏ (giao nhau giữa sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, quận 7) sẽ mở một số bến phục vụ các phương tiện thủy nội địa kết nối với trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, các bến thuộc dự án 2 tuyến buýt đường sông sẽ tiếp nhận các phương tiện tàu, ca nô (khoảng 100 khách) đón, trả khách du lịch. Hiện thành phố đang quy hoạch xây dựng 10 bến thủy Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), trong đó sẽ bố trí 3 bến cho phương tiện lớn đón trả khách, 6 bến cho phương tiện nhỏ và 1 bến kết hợp neo đậu phương tiện.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm thành phố, rất thuận lợi trong vận chuyển hành khách và khách du lịch đường thủy (sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ…). Thậm chí, các tàu khách quốc tế với lượng khách lớn có thể vào ngay trung tâm thành phố tại khu vực Cảng Sài Gòn - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không cần trung chuyển. Không những vậy, thành phố có nhiều điểm đến để tham quan du lịch bằng đường sông như: Khu trung tâm (Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất…); Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi…
Để du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh “cất cánh” thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp luồng tuyến đường thủy; cảng, bến hiện có; tạo cơ chế chính sách nhằm thu hút, phát triển du lịch; sử dụng quỹ đất xây dựng cảng, bến; tạo cơ chế đầu tư, quản lý cảng bến, công trình dịch vụ phục vụ du lịch.
TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được đưa vào khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp, Đồng Nai và các tuyến kênh nội đô. Đồng thời, tập trung khai thác những chương trình du lịch kết nối cảng biển với các tuyến du lịch đường sông. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.