(HNMO) - Theo tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Bộ đang xem xét quyết định về lộ trình tắt sóng công nghệ di động không còn phù hợp với sự phát triển của mạng viễn thông.
Hiện nay, trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất gồm: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016. Đồng thời, 3 nhà cung cấp dịch vụ di động Viettel, MobiFone, VNPT (VinaPhone) đang tiến hành thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G với dự kiến bắt đầu thương mại dịch vụ này trong năm 2020.
Như vậy, trong thời gian tới, khi triển khai mạng 5G, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động với 4 cấu hình mạng khác nhau, từ 2G đến 5G.
Do vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu là cần thiết.
Thứ nhất, việc loại bỏ công nghệ cũ giúp tăng hiệu quả sử dụng phổ tần, đáp ứng nhu cầu về phổ tần ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp di động, vì công nghệ càng cũ thì hiệu quả sử dụng phổ tần càng thấp.
Thứ hai, giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế trong vận hành mạng lưới của doanh nghiệp (công nghệ càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng).
Thứ ba, dừng phát sóng công nghệ cũ sẽ mở ra tiềm năng thị trường mới đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Trước đó, từ đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất việc loại bỏ công nghệ không còn phù hợp trên thị trường. Dự kiến, kể từ ngày 1-1-2022, Việt Nam sẽ thực hiện dừng công nghệ viễn thông di động 2G trên phạm vi toàn quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.