Công nghệ

Tắt sóng mạng 2G: Không để ảnh hưởng đến người dùng

Việt Nga 01/08/2024 - 06:24

Theo kế hoạch đã được công bố, đến tháng 9-2024, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tắt sóng mạng 2G, dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại công nghệ 2G (còn được gọi là 2G only).

Như vậy, thời gian không còn nhiều và vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là việc dừng công nghệ 2G có ảnh hưởng đến người dùng?

mang-2g.jpg
VinaPhone triển khai chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi từ điện thoại 2G sang điện thoại 4G.

Tắt sóng 2G là xu thế

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến nay đã có 37 quốc gia dừng công nghệ 2G; 77 quốc gia đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, đa phần dự định dừng vào năm 2028. Điều này cho thấy, chính sách dừng công nghệ 2G là xu hướng của thế giới.

Tại Việt Nam, chủ trương dừng công nghệ cũ 2G được đề ra từ 5 năm trước và được chia theo 2 pha. Pha 1, tắt sóng vào tháng 9-2024, dừng phục vụ thuê bao dùng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G; pha 2, tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9-2026. Các doanh nghiệp dựa trên thực tế khai thác, tắt dần các trạm 2G ở khu vực không phát sinh lưu lượng.

Cũng theo Cục Viễn thông, đến tháng 5-2024, cả nước còn 11 triệu thuê bao 2G, chiếm tỷ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc. Tỷ lệ thuê bao 2G ngày càng giảm mạnh và các doanh nghiệp dự tính đến tháng 9-2024, sẽ không còn thuê bao mạng 2G hoặc còn dưới 5% tổng số thuê bao của nhà mạng. "Để đạt được các chỉ tiêu nêu ra, các nhà mạng cần sự quyết tâm cao, vào cuộc mạnh mẽ", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết.

Như vậy có thể thấy, thời điểm tắt sóng 2G đã đến gần. Vấn đề được người dân quan tâm nhất hiện nay là giá thành và kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh khi buộc phải thay thế cho điện thoại mạng 2G.

Theo Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan, vấn đề giá máy điện thoại thông minh hợp lý và trang bị kỹ năng cho người dùng là việc không đơn giản. Ngoài ra còn có vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện cuộc gọi 2G qua mạng VoLTE (thoại trên mạng 4G) tới các tổng đài cấp cứu 115, cứu hỏa 114, cảnh sát 113… Do vậy, bên cạnh tắt sóng 2G, nhà mạng phải tính đến việc bảo đảm liên lạc thông suốt cho khách hàng.

Cần có điện thoại thông minh

Về vấn đề trên, các nhà mạng khẳng định đang triển khai phương án hỗ trợ khách hàng. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam cho biết, tỷ lệ người dùng máy điện thoại công nghệ 2G mạng MobiFone giảm rất nhanh, còn dưới 5% khách hàng. Hiện 100% sim 2G đã được chuyển đổi và toàn bộ khách hàng của MobiFone đang sử dụng sim 4G. MobiFone đã có chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên điện thoại thông minh, hỗ trợ gói cước; hỗ trợ mua máy với giá phù hợp...

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT - VinaPhone Lê Đắc Kiên cũng thông tin, để thuận tiện cho khách hàng khi nâng cấp lên điện thoại 4G, VinaPhone thiết kế các gói cước hấp dẫn kèm theo điện thoại 4G miễn phí. Khách hàng có thể lựa chọn các gói cước phù hợp với nhu cầu và các dòng điện thoại khác nhau. Ngoài ra, VinaPhone cũng triển khai các chương trình liên kết với chuỗi cửa hàng điện máy để hỗ trợ khách hàng nâng cấp điện thoại. Đặc biệt, VinaPhone cung cấp các máy điện thoại 4G cơ bản (Featured-phone) với giá 0 đồng để khách hàng chỉ có nhu cầu dùng các dịch vụ cơ bản trên mạng 4G dễ dàng sử dụng, bảo đảm liên lạc thông suốt.

Trong khi đó, Viettel là nhà mạng có lượng thuê bao 2G nhiều nhất (trong đó có tới 70% thuê bao ở nông thôn, miền núi, thuộc diện đối tượng khó khăn). Do đó, Viettel triển khai các chương trình truyền thông sâu rộng và đưa ra những chính sách rất mạnh, giảm giá máy điện thoại 30-50% cho người dùng chuyển máy từ sóng 2G lên 4G.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel Dương Trọng Tính, một vấn đề đặt ra là từ nay đến tháng 9-2024, việc bảo đảm các thiết bị đầu cuối sẽ rất khó khăn. Các điểm giao dịch của Viettel bán ra khoảng 500.000 máy, một nửa trong đó là điện thoại thông minh giá dưới 3 triệu đồng/máy. Trong khi đến tháng 9-2024, Viettel phải chuyển đổi 5-6 triệu thuê bao 2G, như vậy năng lực cung cấp thiết bị không đủ…

Về phía các chuỗi bán lẻ, ông Hoàng Ngọc Minh, đại diện Di động Việt cho biết, Di động Việt đã sẵn sàng cung cấp máy điện thoại thông minh phân khúc dưới 5 triệu đồng/máy cho khách hàng có nhu cầu đổi điện thoại 2G cũ.

Còn Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ - Thế giới di động Trương Minh Hoàng cho hay, doanh nghiệp này đã chủ động liên hệ với các nhà sản xuất điện thoại để có chính sách hỗ trợ khách hàng mua các dòng máy có giá 390.000-1.500.000 đồng/máy và 1.900.000-5.000.000 đồng/máy.

Giám đốc sản phẩm Oppo Việt Nam Vũ Thành Trung thông tin, hãng này chuẩn bị các mẫu điện thoại thông minh có giá dưới 5 triệu đồng/máy để người dùng có thể mua với mức giá phù hợp.

Thông tin thêm, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, đến tháng 9-2024 sẽ không cung cấp dịch vụ cho thuê bao sử dụng công nghệ 2G, nhưng mạng lưới 2G vẫn duy trì để phục vụ kết nối máy với máy, và các thuê bao 4G nhưng chưa hỗ trợ cuộc gọi VoLTE, nhằm bảo đảm chất lượng cho người sử dụng. Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang thực hiện các thủ tục để sử dụng nguồn từ Quỹ Viễn thông công ích nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi máy 2G lên 4G…

Với các cuộc gọi thiết yếu, nhà mạng bảo đảm duy trì, không có bất kỳ gián đoạn nào. Về kỹ năng chuyển đổi cho người sử dụng, cần sự chung tay giữa nhà mạng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, nhà mạng xây dựng, phát hành tờ rơi, cẩm nang để truyền thông trên các phương thức khác nhau tới người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tắt sóng mạng 2G: Không để ảnh hưởng đến người dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.