Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án xây dựng quốc lộ 3 mới: Chờ mặt bằng

Nguyễn Đức| 25/05/2010 07:05

(HNM) - Dự án xây dựng quốc lộ (QL) 3 mới (được biết đến là đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) là dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực. Tổng chiều dài dự án là 61,3km, trong đó đoạn qua Hà Nội là 23,9km, nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại đây đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn.

Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền cho biết, thời gian qua, các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Sóc Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý (BQL) dự án 2 (Tổng cục Đường bộ) cố gắng đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đến ngày 18-5, huyện Gia Lâm đã bàn giao được 2,78/4,763km (58%), Đông Anh đã bàn giao 6,98/7,37km (90,7%), Sóc Sơn 4,46/11,785km (37,5%). Có thể nói, các địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh công tác GPMB. Huyện Gia Lâm còn ứng cả vốn ngân sách địa phương để chi trả cho các hộ dân. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi đoạn QL3 đi qua Hà Nội có hơn 8,1km đất yếu, cần sớm có mặt bằng để xử lý, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Cụ thể, tại Đông Anh có hơn 2,6km đất yếu, Gia Lâm: 1,145km và đáng lo nhất là Sóc Sơn với hơn 4,4km. BQL dự án 2 kiến nghị Sóc Sơn ưu tiên GPMB và bàn giao sớm đoạn qua các xã Việt Long, Trung Giã… Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Quốc Việt, QL3 mới được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, do vậy việc xử lý nền đất yếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông thường, thời gian chờ lún, "chất tải" khu vực đất yếu mất khoảng 2 năm. Nếu không có mặt bằng thi công, xử lý đất yếu ngay, khi toàn tuyến xong vẫn phải thông tuyến, bù lún như đã từng xảy ra với một số tuyến khác. Tổng Giám đốc BQL dự án 2 Lê Anh Tuấn cũng kiến nghị các địa phương sớm bàn giao mặt bằng khu vực đất yếu để nhà thầu thi công.

Từng bước giải "bài toán" về vốn
Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua Hà Nội là hơn 218ha, liên quan đến 6.344 hộ, trong đó có 125 hộ phải bố trí tái định cư (TĐC). Đến ngày 18-5, các huyện đã điều tra, khảo sát xong 6.285/6.344 hộ, phê duyệt phương án cho 5.138 hộ và chi trả cho 4.966 hộ, bàn giao được hơn 153,6ha (khoảng 14,22km). Khối lượng tiếp tục phải GPMB là 61,56ha, trong đó có 2,75ha đất ở liên quan đến 1.206 hộ. Các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt phương án, nhưng chưa có tiền để chi trả cho các hộ. Huyện Gia Lâm đã phải tạm ứng tới 7 tỷ đồng trong nguồn vốn ngân sách ít ỏi của địa phương để chi trả cho các hộ dân. Tổng Giám đốc BQL dự án 2 Lê Anh Tuấn lý giải, nguyên nhân thiếu vốn là do áp dụng chính sách đền bù mới theo Nghị định (NĐ) 69/2009/NĐ-CP, khiến kinh phí GPMB ở Hà Nội tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng. Ban đã kiến nghị Bộ GTVT cân đối, bố trí khoảng 300 tỷ đồng trong quý II và 550 tỷ đồng trong quý III để chuyển cho các huyện chi trả. Trong buổi kiểm tra mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ sớm bố trí vốn. Tin vui đã đến khi Bộ này đã quyết định phân bổ 220 tỷ đồng trong quý II để phục vụ GPMB dự án. Như vậy, khó khăn đầu tiên đã tạm được giải quyết, nhưng nếu không có kế hoạch bố trí nguồn vốn kịp thời trong thời gian tới, tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Tình trạng khó khăn về vốn tại dự án còn diễn ra ở cả trong đầu tư xây dựng khu tái định cư (TĐC) khi Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chưa thống nhất về nguồn kinh phí đầu tư. Theo Bộ GTVT, địa phương chủ động bố trí vốn theo quy định tại Điều 33, NĐ 197/CP và Điều 34, NĐ 69/CP. Trong khi đó, UBND TP Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT bố trí vốn để thực hiện dự án TĐC do mục TĐC đã được xác định trong tổng mức đầu tư dự án. Tại cuộc họp mới đây giữa hai bên do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đồng chủ trì, có ý kiến cho rằng sẽ đề xuất Chính phủ tạm ứng vốn để thực hiện dự án TĐC như ở Thái Nguyên. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng, Chính phủ đã cho cơ chế "gọi" các nhà đầu tư ứng vốn để thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu. Do vậy, các địa phương cần đẩy nhanh việc chuẩn bị, phê duyệt dự án để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án xây dựng quốc lộ 3 mới: Chờ mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.