Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng: Công việc ý nghĩa

Thống Nhất| 11/07/2015 07:36

(HNM) - Tính đến tháng 6-2015, dự án

Trong số các hoạt động đã triển khai, có ba mảng việc được đánh giá quan trọng, nhiều ý nghĩa đối với các nhà trường, bao gồm tập huấn giáo viên; xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường và biên soạn tài liệu về bình đẳng giới.

Học sinh Trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì) tham gia một hoạt động của dự án.


Tổ chức tập huấn là công việc quan trọng của dự án, dành cho hai đối tượng chính là giảng viên nguồn - những cán bộ, giáo viên của các trường tham gia dự án hoặc những người vừa quản lý, điều phối hoạt động dự án và giáo viên chủ nhiệm. Khóa tập huấn hè năm 2015 cho giảng viên nguồn đã kết thúc trong tháng 6 vừa qua và sắp tới, trong tháng 8 sẽ tiếp tục triển khai tập huấn cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm.

Với sự hỗ trợ của dự án, việc xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường tại 20 trường học đã đạt
kết quả khả quan. "Hình hài" của phòng tham vấn tâm lý rõ nét hơn với những yêu cầu cần phải có về cơ sở vật chất, nhân lực. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên về tầm quan trọng và sự cần thiết của mô hình phòng tham vấn tâm lý có chuyển biến rõ nét, cả ở những trường đang thí điểm dự án và những trường học trên địa bàn.

Thời điểm này, tài liệu về vấn đề bạo lực giới, kỹ năng phòng chống bạo lực giới trong trường học đã hoàn thiện và đưa vào giảng dạy cho HS các khối 6, 7, 8, 10, 11 của 20 trường học. Đây là tài liệu được biên soạn với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia và cán bộ, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thẩm định. Theo kế hoạch, HS cấp THCS được học 10 tiết trong một năm học về nội dung này, với cấp THPT là 8 tiết/năm học.

Bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc Plan vùng Hà Nội đánh giá: Qua gần một năm dạy thử nghiệm tại các trường, phản hồi từ đội ngũ giáo viên rất tích cực. Điểm khác biệt của tài liệu này là không phải thiết kế một cách máy móc, áp đặt, mà chỉ đưa ra những nội dung cối lõi của vấn đề và gợi ý cho giáo viên về nội dung, quy trình, phương pháp tổ chức bài học cho HS. Cách thức xây dựng bài giảng của tài liệu này chủ yếu ở dạng tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, chứ không phải truyền dạy kiến thức đơn thuần. Đó là lý do khiến cho những giờ học về nội dung giáo dục bình đẳng giới luôn được HS háo hức chờ đón. Có dịp dự giờ tại một số trường mới thấy, cách tiếp cận như vậy với học sinh đã làm cho vấn đề tưởng chừng khá mới mẻ trở nên gần gũi, dễ chia sẻ hơn.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai tại 20 trường học từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2015 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng: Công việc ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.