(HNM) - Sản phẩm rau an toàn (RAT) Hà Nội đang từng bước khẳng định chất lượng, tuy nhiên, để các mô hình sản xuất RAT phát triển bền vững, Hà Nội cần mở rộng các dự án RAT có tính quy mô, theo chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ.
Dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT tại huyện Đan Phượng vừa được UBND TP phê duyệt là hướng đi tích cực cho phát triển RAT ở Hà Nội. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp khoảng 6.000 tấn rau quả/năm.
Chăm sóc rau an toàn tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Đỗ Minh |
Huyện Đan Phượng là một trong những vùng RAT có quy mô lớn của Hà Nội. Thực tế, những năm gần đây mô hình RAT đã giúp nhiều xã của huyện Đan Phượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, năm 2011, diện tích RAT của xã Song Phượng chỉ có khoảng 4ha. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế cao nên chỉ trong vòng 1 năm, đến nay Song Phượng đã có khoảng 10ha RAT. Thu nhập bình quân từ trồng RAT đạt hơn 10 triệu đồng/sào/năm, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần so với cấy lúa.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, năm 2012, mỗi xã của huyện Đan Phượng đã thực hiện ít nhất một dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung vào trồng rau, hoa, cây ăn quả, vật nuôi đặc sản... tùy theo lợi thế đồng đất và tiềm năng của từng vùng. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng phát triển RAT để trở thành vùng RAT có quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi khép kín của thành phố. Đan Phượng đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ nâng diện tích trồng RAT toàn huyện lên 224ha.
Dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT Đan Phượng là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển RAT của huyện. Được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, dự án triển khai tại địa bàn 3 xã Đồng Tháp, Phương Đình và Song Phượng. Vào tháng 10-2012, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) bắt đầu tập trung thực hiện dự án. TS Phan Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hadico cho biết, Hadico luôn mong muốn mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô nông phẩm sạch. Đặc biệt, hưởng ứng chương xây dựng NTM, công ty đã tập trung triển khai những mô hình nông nghiệp khép kín theo chuỗi giúp nông dân tăng thu nhập, xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại. Đó cũng là kỳ vọng của công ty đặt vào dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT Đan Phượng.
Quy mô dự án trên đạt khoảng 6.000 tấn rau quả/năm, trong đó sản lượng rau là 200 tấn/năm, sản lượng củ quả 3.600 tấn/năm, sản lượng rau ăn lá 1.200 tấn/năm với diện tích hơn 760 nghìn mét vuông. Mục tiêu của dự án là hình thành vùng sản xuất RAT tập trung, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương. Theo TS Phan Minh Nguyệt, để bảo đảm chất lượng RAT, hệ thống nhà lưới, xưởng sơ chế, nhà kho, nhà quản lý và các công trình phụ trợ... sẽ được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ. Đây sẽ là dự án RAT có quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín quy mô lớn của Hà Nội, mở hướng đi mới cho RAT Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.