Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án nhỏ của những tấm lòng lớn

An Tâm| 27/10/2016 06:38

(HNM) - Là cô gái mới ở tuổi đôi mươi, Nguyễn Thị Song Trà (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã cùng với các bạn đồng lứa của mình thành lập dự án Giáo dục giới tính - S-Project. Đây là một dự án chia sẻ các kiến thức giới tính, giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội như học sinh, người khuyết tật... biết cách tự bảo vệ mình.

Thôi thúc từ thực tế

Sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Thị Song Trà sớm hiểu sâu sắc về cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây. Những lần từ giảng đường về quê, các em nhỏ thắc mắc với “chị Trà” rất nhiều về vấn đề giới tính, tình dục. Có em thậm chí không biết mình sinh ra từ đâu.


Thành viên của S-Project chia sẻ kiến thức về giới cho các học viên Trung tâm Nghị lực sống.


Hiểu biết các vấn đề về giới tính, tuy nhiên, Song Trà vẫn ngại ngùng và không biết cách giải thích thế nào để các em hiểu. Những trăn trở đó theo Trà lên giảng đường đại học, nhất là trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Và mong muốn tìm hiểu sâu về kỹ năng giáo dục giới tính bùng cháy mạnh mẽ khi cô sinh viên báo chí nhận thấy thực trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang ngày càng nhức nhối. Song Trà quyết định xây dựng một dự án giúp đối tượng yếu thế có những hiểu biết căn bản về giới tính, tự bảo vệ mình trước kẻ xấu.

“Em đọc báo, thấy ngày càng có nhiều trẻ em bị XHTD. Đặc biệt, nhiều em bị chính người thân của mình lạm dụng. Qua tìm hiểu, em cũng biết, những vụ việc được phơi bày trên báo chí chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế. Rất nhiều trẻ em, thậm chí người lớn bị hãm hại nhưng không hề biết điều đó hoặc sợ không dám nói ra”, Trà bày tỏ.

Sau khi có ý tưởng, Nguyễn Thị Song Trà đã cùng với 3 người bạn chung lớp lên kế hoạch thực hiện dự án. Nhớ lại những ngày đầu chật vật tìm kiếm đơn vị bảo trợ, cô gái nhỏ không khỏi bồi hồi: “Có những hôm nắng như thiêu như đốt, chúng em vẫn lao ra đường từ sáng đến tối mịt. Vì là sinh viên, non nớt kinh nghiệm nên hầu như chúng em bị từ chối. Thậm chí, khi tìm đến các doanh nghiệp, các tổ chức, hồ sơ của chúng em còn không được ngó tới. Nhưng vì “máu nóng” trong người, bọn em vừa rút kinh nghiệm vừa tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Cuối cùng, sau nhiều ngày, chúng em cũng nhận được cái gật đầu đồng ý bảo trợ pháp lý của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số”.

Dự án Giáo dục giới tính được thành lập chính thức vào tháng 10-2015 sau hành trình gian khó đó. Từ 4 thành viên cốt cán ban đầu, đến nay, sau 3 đợt tuyển, tổng số thành viên của dự án đã lên đến 40 người. Trong đó, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi địa phương có 10 thành viên.

Những trải nghiệm khó quên


Tất cả mọi kế hoạch hoạt động đều được các thành viên của S-Project lên ý tưởng thực hiện. Chỉ những vấn đề thực sự hóc búa, họ mới tìm đến các anh, chị giàu kinh nghiệm để được tư vấn. Quan điểm của các nữ sinh này là được chủ động học hỏi, đúc rút thêm kỹ năng, kinh nghiệm từ va vấp thực tế.

Đến nay, sau một năm thành lập, dự án đã tổ chức được rất nhiều buổi nói chuyện với học sinh tại các trường trên địa bàn Hà Nội, tại các trung tâm khuyết tật. Dự án cũng tổ chức cuộc thi vẽ tranh dành cho các em học sinh về chủ đề giới tính và triển lãm các bức tranh đạt giải. Để tự tin hơn, các thành viên trong nhóm đã dốc công tìm hiểu những câu chuyện từ thực tế, đọc và nghiên cứu tài liệu trên mạng. Không những thế, để hiểu cặn kẽ về giới tính, các bạn nữ của dự án còn “liều mình” đi hỏi các bạn nam về sự phát triển tâm sinh lý và điềm nhiên đón nhận những cái nhìn đầy kinh ngạc từ họ.

Nếu các em học sinh của các trường như Tiểu học Quốc tế VIP school có những câu hỏi “cười ra nước mắt” thì những người khuyết tật (thuộc Trung tâm Nghị lực sống) lại có những câu hỏi hóc búa, cố tình trêu chọc. “Nhiều anh là người khuyết tật khi nghe bọn em chia sẻ về giới tính nam thì cười, trêu “em có người yêu chưa mà rành thế?”. Những lúc ấy nếu đỏ mặt hay tỏ ra ngại ngùng sẽ rất khó khăn để tiếp tục bài giảng. Vì vậy, bọn em luôn cố gắng bình thường, tự tin và vui vẻ đáp trả. Nhờ vậy, buổi chia sẻ đã nhanh chóng lôi kéo mọi người lại tập trung trở lại”, Trà nói.

Cũng chính những buổi nói chuyện hay những lần chia sẻ trên fanpage đã mang lại cho các thành viên dự án những câu chuyện thực tế đau xót về nạn XHTD. Không ít bạn trẻ từ nhỏ đã bị xâm hại nhưng không hề hay biết. Khi lớn lên, họ nhận ra mình từng bị lạm dụng và dằn vặt vì điều đó. Họ mang câu chuyện, cảm xúc của mình đến để được S-Project giải tỏa. Nhiều em học sinh lớp 7, lớp 8 cũng kể về những rung động đầu đời của mình, cảm giác các em trải qua khi chính thức nắm tay một người bạn khác giới... Để thật sự thấu hiểu và cảm thông, các thành viên của S-Project luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện, đưa ra lời khuyên, giúp họ có ý thức bảo vệ bản thân khỏi những sai lầm đáng tiếc.

Vẻ đẹp của sự chủ động, nhiệt huyết

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Vũ Thiên (Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số) cho biết: “S-Project là một dự án nhỏ của những tấm lòng lớn. Cái đáng ghi nhận nhất đó chính là sự chủ động và nhiệt huyết của các bạn trẻ. Dù ít tuổi nhưng các bạn đều hăng say với ý tưởng của mình, bỏ công sức, thời gian để tìm kiếm nhà tài trợ, làm việc cật lực. Thứ hai đó chính là cái đẹp toát ra từ ý tưởng. Còn trẻ, nhưng họ đã quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, muốn cải thiện và xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn. Ngoài ra, họ cũng dám tự tin đến các trung tâm khuyết tật, các trường học giảng dạy về vấn đề giới tính, điều mà hầu như chỉ các chuyên gia làm được”.

Nguyễn Thị Song Trà cho biết, dù được bảo trợ pháp lý từ Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số nhưng kinh phí các em phải tự lo. Đợt đầu tiên bắt tay vào dự án, sau nhiều ngày ngược xuôi xin tài trợ, nhóm nhận được 3 triệu đồng. Xin thêm từ bố mẹ được 3 triệu đồng nữa, với 6 triệu trong tay, họ bắt đầu triển khai dự án. “Khi ấy bọn em không nghĩ được gì nhiều, chỉ là muốn được chia sẻ, giúp nhiều người hiểu về vấn đề giới tính, hạn chế tình trạng XHTD”, đại diện của dự án cho biết. Hiện nay, với số lượng thành viên lên đến 40 người, S-Project đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và cả TP Hồ Chí Minh.

Dự án hiện đã lên kế hoạch cho “Ngày hội giới tính” tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm sau. Ngoài ra, các thành viên ấp ủ mong ước xây dựng các mô hình nhỏ của dự án tại Nghệ An và Hà Nội. “Khi tìm được nguồn tài trợ, bọn em sẽ đến các trường chuyên của Nghệ An và Hà Nội, chia sẻ cho các em học sinh, đồng thời tập huấn cho thành viên tại đây. Sau đó, các thành viên thuộc địa phương sẽ có trách nhiệm tiếp tục triển khai dự án tại địa bàn của mình. Mong muốn của chúng em là làm sao ngày càng có nhiều người hiểu về giới tính để tự bảo vệ được chính mình”, Nguyễn Thị Song Trà bày tỏ với một tinh thần đầy hy vọng, tin tưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án nhỏ của những tấm lòng lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.