(HNM) - Huyện Đan Phượng đang triển khai các dự án: Nhà máy nước sạch sông Hồng và mạng lưới cấp nước cho 8 xã: Thọ An, Thọ Xuân, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Hồng Hà, Trung Châu, Hạ Mỗ. Tuy nhiên, do tiến độ thực hiện các dự án bị chậm nên đến nay, người dân các xã trên vẫn thiếu nước sạch.
Từ nhiều năm nay, người dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nước mưa hoặc mua nước tinh khiết đóng bình dùng trong sinh hoạt hằng ngày; chất lượng nước giếng khoan không bảo đảm, nên chỉ sử dụng để tắm giặt, rửa…
Ông Bùi Quang Kỳ - Cụm trưởng cụm 4, xã Hạ Mỗ cho biết, gia đình nào cũng phải đầu tư xây bể lọc thô, bể chứa nước, máy bơm, bình lọc nước khoảng 12-16 triệu đồng, nhưng nước giếng khoan vẫn có mùi tanh, vẩn đục. Đường ống dẫn nước nếu không thường xuyên vệ sinh rất nhanh tắc nghẽn, phải thay mới. Để minh chứng về chất lượng nguồn nước giếng khoan, ông Kỳ đưa phóng viên “thực mục sở thị” bể chứa nước bơm lên từ giếng khoan sau 3 tháng, lắng đầy bùn vàng. Thậm chí, khi mở van xả nước thải sau lọc vẫn thấy nước có ánh vàng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm, xã có hơn 2.500 hộ dân với khoảng 9.000 nhân khẩu. Địa phương chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước sạch trong khi nguồn nước giếng khoan chưa bảo đảm nên nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân xã Hạ Mỗ rất cấp thiết.
Tương tự, xã Thọ An có gần 3.000 hộ dân, cũng chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nước mưa trong sinh hoạt hằng ngày. Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Khắc Quang chia sẻ: "Là 1 trong 8 xã được hưởng lợi từ các dự án nước sạch đang triển khai trên địa bàn huyện, chúng tôi rất mong các dự án sớm hoàn thành để người dân được dùng nước bảo đảm chất lượng và đỡ tốn kém khi phải đầu tư bể lọc, bình lọc, mua nước tinh khiết đóng bình".
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi, nguồn nước sạch cấp cho các xã của huyện Đan Phượng được lấy từ nước mặt sông Đà và Nhà máy nước mặt sông Hồng. Tuy nhiên, tiến độ các dự án cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện đang bị chậm vì dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do một số hộ dân các xã: Liên Hồng, Liên Trung chưa đồng ý nhận tiền bồi thường hỗ trợ (hiện, dự án này đã thi công được khoảng 90% khối lượng công việc). Riêng dự án cung cấp mạng lưới nước sạch cho 8 xã do Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội thực hiện, đang trong giai đoạn xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội Nguyễn Đình Hà cho biết, mặc dù đơn vị đã làm việc với các sở, ngành liên quan nhưng đã qua một năm vẫn chờ cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Ngoài ra, việc thi công trạm bơm tăng áp tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) để cấp nước sông Đà cho một số xã của huyện Đan Phượng, đơn vị đang chờ được giao đất để triển khai.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch trên địa bàn huyện mới đạt 62%. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, cuối tháng 7-2022, huyện đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan cấp chỉ lệnh mốc giới, giao đơn vị đầu mối chủ trì thực hiện việc gia hạn điều chỉnh dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 8 xã. Huyện cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, sớm hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch đến 100% hộ dân trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.