(HNM) - Nằm trong khuôn khổ trao đổi văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt nhân năm Việt Nam tại Pháp, cuối tháng 5 vừa qua, bà con Việt kiều tại Paris cũng như các bạn Pháp đã đến Trung tâm Văn hóa Việt Nam (quận 13, Paris) để cùng nhau xem và chia sẻ những cảm xúc về bộ phim
Cho đến nay, dư âm về bộ phim vẫn tiếp tục lan tỏa, nhất là trong bối cảnh mọi người dân Việt đều hướng về Biển Đông. Cộng tác viên của Hànộimới tại Paris đã ghi lại cảm xúc của khán giả Việt Nam, Pháp trong và sau buổi chiếu phim.
Phòng chiếu phim của trung tâm hôm ấy chật kín, khá nhiều người phải đứng. Ngay cả Giám đốc Trung tâm cũng phải loay hoay để xếp các ghế phụ cho khách. Sau phần xem phim, khán giả có dịp trao đổi cởi mở với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Anh đã để lại ấn tượng khá tốt trong lòng khách xem với thái độ thân thiện cởi mở với những câu trả lời chân thành, sắc sảo và thông minh.
Đa phần các khán giả được hỏi đều cho rằng "Những người viết huyền thoại" đã có một cái nhìn mới về chiến tranh. Bộ phim bắt đầu từ gương mặt, số phận từng nhân vật, từng con người cụ thể đã góp sức vào cuộc chiến đấu nhưng khéo léo đi tới những hình ảnh mang tính biểu tượng về khát vọng hòa bình, về ý nghĩa cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh khốc liệt nhưng không bi ai. Độ bi tráng được tái tạo qua những hình ảnh được tiết chế dẫn dắt người xem qua những trạng thái cảm xúc khác nhau, vừa thót tim trước cảnh bom đạn, vừa xúc động nghẹn ngào đấy nhưng rồi lại có thể mỉm cười, thậm chí cười vang trước sự trong sáng, hài hước, lạc quan của những người lính.
Trong phim, ta không thấy lặp lại những cảnh sáo mòn của nhiều phim chiến tranh khác. Khán giả Paris có phần ngạc nhiên trước sự thay đổi so với nhiều bộ phim cùng đề tài của Việt Nam mà họ đã xem trước đây. Họ phấn khởi trước sự kế thừa và sáng tạo của lớp đạo diễn điện ảnh trẻ của Việt Nam mà Bùi Tuấn Dũng được gọi là thế hệ thứ năm. Một thế hệ ít phải chịu dư chấn chiến tranh, nên nhìn cuộc chiến với con mắt khác hơn?
Ông Nguyễn Văn Vân, một Việt kiều đứng tuổi cư ngụ tại Pháp từ 50 năm nay và gần đây năm nào ông cũng về thăm quê, cho biết, bất kỳ khi nào Trung tâm Văn hóa Việt Nam thông báo có chiếu phim Việt Nam thì ông cũng đến xem. Dịp này, ông mong mỏi "các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ gửi thêm những bộ phim phản ánh tình hình phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước…".
Chị Elodie Việt Hà, một Việt kiều đã sống tại Pháp hơn 20 năm, cùng các con đi từ thành phố Troyes đến xem phim, nói: "Tôi được biết về sự kiện này từ cách đây khá lâu, nên mấy mẹ con đi gần 200km bằng tàu để đến xem phim. Đã lâu lắm rồi tôi không được xem phim Việt Nam, nhất là phim về đề tài chiến tranh". Chị nói rằng đây là một bộ phim tâm lý, rất kỳ công nhất là những cảnh bom đạn. Âm hưởng lãng mạn trong phim chắc hẳn là ý đồ của đạo diễn và điều đó gây được sự chú ý, cuốn hút với thế hệ trẻ hôm nay.
Một khán giả Pháp tên là Pierre de Sang cũng thích thú nói: "Tôi thấy bộ phim rất hấp dẫn, lãng mạn. Mỗi nhân vật trong phim đều được lột tả với những nét tính cách riêng biệt, đều trở thành những nhân vật chính đóng góp cho cuộc chiến". Không chỉ nói về "Những người viết huyền thoại", khán giả Việt Nam và Pháp còn liên hệ tới sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc ta tại Biển Đông. Khán giả đồng tình với phát biểu của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng rằng: "Lòng yêu nước của con người Việt Nam lâu nay được coi như một yếu tố cấu thành văn hóa Việt…". Buổi chiếu phim đã qua, nhưng dư âm tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thì vẫn còn đó. Đặc biệt là tinh thần kết nối và khơi gợi lòng yêu nước của người Việt ta từ những buổi chiếu như vậy thực sự vô cùng ý nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.