Thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị.
Thống kê tại 24 bộ, ngành, tỉnh, thành phố của Bộ Nội vụ mới đây cho thấy, có 3.128 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay có 2.903 người đang công tác, chiếm 92,8%; 225 người đã nghỉ việc, chiếm 7,2%.
Tại Hà Nội, từ năm 2013 đến nay đã quyết định tiếp nhận 55 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố. Đồng thời, tuyển dụng đặc cách đối với 77 vận động viên xuất sắc đoạt huy chương tại giải thi đấu thể thao quốc tế, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của thành phố.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Việc phát huy tiềm năng của nguồn lực này trong lĩnh vực công bị ràng buộc bởi nhiều rào cản pháp lý với những quy định chưa hợp lý, phức tạp. Nói cách khác, chúng ta đang bị “chảy máu chất xám” ngay ở trong nước khi những nhân tài thấy lương còn thấp, hoặc chưa được bố trí đúng chuyên môn, không có cơ hội thăng tiến.
Trước những bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ xát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ có cơ hội phát huy năng lực, sở trường. Đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược trên, trước hết các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế đột phá để phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài. Cơ chế này bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng được thể chế hóa thành các quy định pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời có trọng tâm và chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Cùng với đó là xây dựng và thực hiện tốt chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực làm việc trong khu vực công, đặc biệt là đội ngũ nhân tài, nhân lực chất lượng cao được tuyển dụng. Điều quan trọng nữa, để giữ chân được những người tài năng và khuyến khích họ phát huy hết năng lực, sở trường, cần xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau; bảo đảm tính công bằng, chuyên nghiệp, tạo được sân chơi cạnh tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.