(HNMO) - Chiều 12-4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị làm việc với Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Hà Nội và việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị về phía thành phố Hà Nội còn có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Minh Long, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác của thành phố Hà Nội luôn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trọng tâm là thực hiện tốt công tác đào tạo lý luận chính trị và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.
Về đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, giai đoạn 2018-2022, thành phố đã phối hợp tổ chức 12 lớp hệ không tập trung, với 879 học viên.
Về công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố, đối với đối tượng 3 (cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý), thành phố đã tổ chức 14 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 2.777 lượt học viên. Đối với đối tượng 4 (cán bộ diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý), thành phố đã tổ chức 257 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 23.800 lượt học viên.
Báo cáo kết quả thực hiện Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh cho biết, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3735 - QĐ/TU ngày 18-10-2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án trường chính trị chuẩn. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nay, thành phố chuẩn bị ban hành “Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Đề án xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đạt trường chính trị chuẩn”.
Ngoài ra, từ năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy của trường theo đúng quy định và hiện tại trường có 3 khoa, 2 phòng (trước đó có 5 khoa, 3 phòng). Hằng năm, thành phố có kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng giao cho trường đảm nhận.
Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến nay, trường đã đạt 39/55 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm tiêu chí theo Quy định số 11-QĐ/TƯ.
Bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TƯ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề khó khăn, bất cập cần khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và triển khai Đề án xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đạt trường chính trị chuẩn; đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện đề án trong thực tiễn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, những năm qua, Hà Nội rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này, bao trùm là Đề án 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Thành ủy cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Từ thực tiễn, Hà Nội đề xuất Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương có cơ chế đặc thù cho Hà Nội về tỷ lệ được cử cán bộ đi đào tạo Cao cấp lý luận chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương. Xây dựng và ban hành Khung chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với từng loại hình bồi dưỡng; đồng thời, ban hành quy định cụ thể, thống nhất về công tác đánh giá, xếp loại học viên sau các khóa bồi dưỡng.
Hà Nội cũng kiến nghị Học viện tạo điều kiện để viên chức, giảng viên, nhất là những giảng viên đã công tác tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong từ 5 năm trở lên được học Cao cấp lý luận chính trị; quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên của trường được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó có những chuyển biến rõ rệt; nội dung và chương trình đào tạo đã bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Hà Nội vẫn cần quan tâm, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đổi mới việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản chỉ đạo mới của Đảng và cập nhật, đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của thực tiễn. Phương pháp đào tạo cũng cần thay đổi, chú trọng ứng dụng công nghệ trong quản lý học viên…
Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Hà Nội cần bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị trường chủ động rà soát những vấn đề còn thiếu so với Quy định số 11-QĐ/TƯ.
“Từng cán bộ, giảng viên nhà trường cần tự học, tự hoàn thiện bản thân thông qua việc đi biệt phái, tham gia các cuộc họp của thành phố để nắm bắt thực tế về tình hình kinh tế - xã hội”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Về những kiến nghị của thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đồng thời khẳng định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn ủng hộ Hà Nội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cũng như cần có cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù để thu hút được những chuyên gia, giảng viên giỏi… phục vụ chiến lược phát triển nhà trường thành trường chính trị chuẩn theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.