(HNM) - Phát hiện kịp thời các đường dây buôn lậu quy mô lớn, xử lý nghiêm lãnh đạo địa phương nếu để buôn lậu, gian lận thương mại hoành hành là chỉ đạo của Chính phủ trong đợt cao điểm chống buôn lậu những tháng cuối năm.
Phát hiện kịp thời các đường dây buôn lậu quy mô lớn, xử lý nghiêm lãnh đạo địa phương nếu để buôn lậu, gian lận thương mại hoành hành là chỉ đạo của Chính phủ trong đợt cao điểm chống buôn lậu những tháng cuối năm.
Cán bộ Chi cục hải quan Bắc Luân (Cục Hải quan Quảng Ninh) kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: Mai Vi |
Nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn
Từ trung tuần tháng 10, thực hiện kế hoạch của BCĐ 389, tổ công tác của Văn phòng thường trực BCĐ 389 đã lập kế hoạch xác minh thông tin về một đường dây quy mô lớn chuyên vận chuyển hàng tạp hóa nhập lậu từ biên giới Móng Cái (Quảng Ninh). Rạng sáng 2-11, các lực lượng chức năng đã ập vào một điểm tập kết hàng tại khu vực Lục Lầm, phường Hải Hòa, TP Móng Cái để kiểm tra. 6 đối tượng buôn lậu đã bị khống chế, bắt giữ cùng với lượng hàng hóa chất đầy trên 16 xe ô tô tải ước khoảng 100 tấn gồm: vải, quần áo, mỹ phẩm, 27 chiếc tủ lạnh, 109 chiếc máy giặt đã qua sử dụng. Tổng trị giá số hàng bị thu giữ ước khoảng 20 tỷ đồng.
Trước đó một ngày, tại cửa khẩu Nội Bài, trong quá trình giám sát kiểm tra hành lý của hành khách nhập cảnh về Việt Nam trên chuyến bay QR828, đường bay Bangkok - Hà Nội, Đội thủ tục hành lý nhập, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thực tế, phát hiện 6 miếng sừng động vật có tổng trọng lượng khoảng gần 7kg được 3 hành khách cất giấu trong người. Đây là vụ vận chuyển sừng, ngà động vật hoang dã thứ 7 tính từ đầu năm 2014 trở lại đây.
Tại tọa đàm trực tuyến về chống buôn lậu, GLTM và hàng giả vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Chánh văn phòng BCĐ 389 cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu tập trung vào hàng hóa có giá trị cao nên mặc dù số vụ vi phạm ít hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị hàng hóa vi phạm trong 9 tháng năm nay tăng (số vụ giảm 5,9%), giá trị tăng 15,21% so với cùng kỳ năm 2013. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ diễn ra chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm như khu vực cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên); Móng Cái (Quảng Ninh); Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng)... Các mặt hàng vi phạm tập trung nhiều ở nhóm hàng tiêu dùng như: rượu, bia, thuốc lá điếu, nước giải khát, hàng tạp hóa các loại. Việc lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn tiếp tục diễn ra.
Xử lý người đứng đầu
Thống kê của BCĐ 389 quốc gia cho thấy, sau 7 tháng đi vào hoạt động, các lực lượng chức năng gồm: Hải quan, Công an, QLTT đã bắt giữ, xử lý 44.000 vụ, truy thu 2.500 tỷ đồng tiền thuế và hơn 300 tỷ đồng tiền hàng hóa vi phạm. BCĐ 389 nhận định: Các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng bằng mọi cách. Nguy hiểm hơn là tình trạng hàng hóa Trung Quốc nguyên đai, nguyên kiện, mang từ bên kia biên giới về Việt Nam nhưng lại đội lốt hàng Made in Việt Nam, có giấy bảo hành, dấu hàng Việt Nam chất lượng cao in trên bao bì. Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, mặc dù các cơ quan chuyên trách đã rất nỗ lực, nhưng tội phạm vẫn lọt lưới. Vì vậy, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận cư dân tại khu vực biên giới, các đối tượng buôn lậu đã lôi kéo người dân tham gia, tiếp tay vận chuyển hàng lậu. Thực tế này đã khiến hoạt động chống buôn lậu trở nên khó khăn hơn.
Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 389 đã yêu cầu các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đợt cao điểm chống buôn lậu là triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu từ các tỉnh biên giới phía bắc về Hà Nội, từ các tỉnh biên giới Tây nam về TP Hồ Chí Minh để phân phối, tiêu thụ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo địa phương và lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.