Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng vốn đầu tư nước ngoài: Tăng trưởng ngoạn mục

Hồng Sơn| 07/08/2017 07:06

(HNM) - Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục, cao hơn nhiều cùng kỳ của các năm trước.

Dây chuyền sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Nhật Nam


Kết quả khả quan

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 7 tháng của năm đạt gần 22 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Bản thân con số này cho thấy tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang trên đà tăng tiến, sáng sủa.

Trong 7 tháng của năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực kinh tế; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất, với 10,83 tỷ USD vốn đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện và khai khoáng. Cùng thời gian trên, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký 5,62 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài; tiếp theo là Nhật Bản, Singapore...

Thanh Hóa hiện là địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với hơn 3 tỷ USD; tiếp đến là Bắc Ninh, Nam Định... Một số dự án có quy mô lớn và tầm quan trọng, có thể lan tỏa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần, gồm: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD; dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn với tổng vốn đăng ký 1,27 tỷ USD. Thực tế cho thấy, việc xuất hiện của một số dự án quy mô lớn là đặc điểm khác biệt từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ các năm trước, đồng thời khiến kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Cũng trong 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân 9 tỷ USD; tăng 5,8% so với cùng kỳ, tạo tiền đề cho việc hoàn thiện, đưa vào hoạt động của nhiều dự án, dây chuyền sản xuất trong thời gian tới. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng xuất khẩu hơn 83 tỷ USD giá trị hàng hóa, tăng 20% so với cùng kỳ và chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các dự án đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định được vai trò, đóng góp thiết thực vào việc chuyển giao, vận dụng công nghệ mới, tạo việc làm cho người lao động và nguồn thu tại nhiều địa phương.

Đón xu hướng mới

Thực tế thời gian gần đây thể hiện rõ xu hướng nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội, nghiên cứu phương án khả thi rồi thực hiện việc mua lại dự án (hoặc một phần dự án) đang hoạt động tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, đây là một hiện tượng mới, đang xuất hiện ngày càng nhiều và với giá trị giao dịch lớn hơn; hứa hẹn một kênh cấp vốn mới, giàu tiềm năng đối với nền kinh tế. Một số lĩnh vực đang thu hút được sự quan tâm, mong muốn tham gia đầu tư như bất động sản, phân phối - bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, ngân hàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, đánh giá tình hình thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; hướng dòng vốn này vào những ngành, lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; dược phẩm; vật liệu xây dựng công nghệ mới; hạ tầng, dịch vụ đẳng cấp quốc tế... Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, địa phương theo dõi tình hình, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời sẵn sàng giải quyết tồn tại, kể cả chấm dứt hoạt động, rút giấy phép đối với những dự án chây ỳ... không triển khai hoặc triển khai rất chậm so với yêu cầu.


Dự báo, tổng giá trị các thương vụ mua bán doanh nghiệp trong năm nay có thể đạt trên 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, hoạt động mua lại cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang diễn ra liên tục như làn sóng. Được biết, trong 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam, với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ 2016.

Hiện, các chuyên gia cho rằng thị trường mua bán doanh nghiệp cũng như mua cổ phần ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển nhanh và đa dạng hơn. Trong đó, giới đầu tư nước ngoài được đánh giá là những đối tác, nhà đầu tư chủ yếu, có kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh thông qua chiến lược lâu dài ở Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới tác động mạnh mẽ từ việc thực hiện cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý và chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam ngày càng cải thiện rõ nét. Đây là một lực đẩy rất lớn để nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, đi đến quyết định bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, cũng từ nguyên nhân này mà có thêm nhiều nhà đầu tư quyết định đăng ký mở rộng quy mô hoạt động, rót thêm vốn vào dự án đã đi vào hoạt động. Dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và đa dạng hơn. Trong đó, một số lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư ngoại như công trình hạ tầng giao thông, bất động sản, năng lượng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng vốn đầu tư nước ngoài: Tăng trưởng ngoạn mục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.