(HNM) - Gần đây, giá USD liên tục tăng mạnh do các yếu tố khách quan, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Vậy đồng USD tăng giá có đáng ngại?
Ngày 20-6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 22.617 VND (tăng 15 VND). Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.700 VND/USD (mua vào) và 23.276 VND/USD (bán ra), tăng 16 VND/USD so với ngày 19-6. Các ngân hàng thương mại cũng niêm yết tỷ giá ngoại tệ theo hướng tăng, phổ biến ở mức 22.815 VND/USD (mua vào) và 22.885 VND/USD (bán ra).
Trong đó, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 22.810 VND/USD (mua vào) và 22.880 VND/USD (bán ra); VietinBank: 22.828 VND/USD (mua vào) và 22.898 VND/USD (bán ra)... Trên thị trường tự do, giá USD vẫn ở mức hơn 23.000 VND/USD.
Sáng sớm 21-6 (theo giờ Việt Nam), diễn biến đồng USD trên thị trường quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng xu hướng vẫn rập rình thiết lập "đỉnh" mới. Theo đó, chỉ số US Dollar Index (DXY - đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt: EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 95,07 điểm. 1 EUR đổi 1,1574 USD; 110,17 JPY đổi 1 USD và 1 bảng Anh đổi 1,3174 USD. Đồng USD "hạ nhiệt" là do áp lực chốt lời tăng lên.
Trên thị trường tài chính thế giới, tâm lý quen dần với việc USD tăng giá cũng giúp giảm bớt mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, sức cầu với đồng USD vẫn khá cao do đồng EUR suy yếu và đồng nhân dân tệ tụt giảm vì giới đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế Trung Quốc.
Sự biến động không ngừng của "đồng bạc xanh" trên thị trường thế giới đã tác động mạnh tới giá đồng tiền này trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã trải qua 3 đợt tăng, có lúc giá bán USD tại ngân hàng chạm mức 22.900 VND/USD. Diễn biến trên khiến nhiều người có tiền tiết kiệm băn khoăn không biết nên gửi tiết kiệm bằng USD hay VND, vì dự báo FED còn 2 lần tăng lãi suất nữa từ nay đến cuối năm 2018.
Chị Thu Trang (ở Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị có sổ tiết kiệm gửi VND ở ngân hàng, nhưng trước "làn sóng" tăng tỷ giá không ngừng trên thị trường, chị lo lắng không biết gửi tiết kiệm VND có bị thiệt so với gửi USD không, ngay cả khi lãi suất USD vẫn bằng 0%.
Trên thực tế, lãi suất VND dao động khoảng 6-7%/năm, trong khi lãi suất USD vẫn bằng 0%. Nếu gửi tiết kiệm bằng USD, người gửi chỉ có thể trông chờ vào chênh lệch tỷ giá, mà dự báo từ nay đến cuối năm, tỷ giá tăng cũng chỉ ở mức 2-3%, nên gửi tiết kiệm bằng VND được cho là vẫn có lợi hơn so với USD.
Hơn nữa, mặc dù tỷ giá có biến động mạnh, nhưng chủ yếu do khách quan, trong khi cung cầu ngoại tệ trên thị trường trong nước không có dấu hiệu căng thẳng, ngược lại thanh khoản tốt. Dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục hơn 63 tỷ USD, cùng với số liệu 5 tháng đầu năm nay Việt Nam vẫn xuất siêu, nên nhìn chung không đáng ngại về sự biến động của tỷ giá.
Tuy nhiên đối với doanh nghiệp, việc giá USD tăng cao sẽ gây không ít khó khăn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh sức mua tại thị trường nội địa không cao như hiện nay. Rõ nhất là doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sẽ mất thêm một khoản không nhỏ bù tỷ giá.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã phát thông điệp khẳng định, các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp. Nguồn ngoại tệ dồi dào từ các doanh nghiệp xuất khẩu, du lịch và kiều hối đã hỗ trợ rất nhiều cho cân đối cung cầu trong nước.
Ngoài ra, nhu cầu giữ USD của người dân đã giảm, doanh nghiệp chuyển dần từ quan hệ vay - mượn sang mua - bán ngoại tệ. Do đó, diễn biến tăng giảm của tỷ giá chỉ là theo xu thế thị trường thế giới, không phải do găm giữ USD, hay mất cân đối cung cầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo sát diễn biến của tỷ giá để có những can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, đến cuối năm 2018 tỷ giá VND/USD sẽ kết thúc ở mức 22.900 đồng/USD. Nhìn chung, thị trường ngoại tệ ổn định bởi những biến động của đồng USD đã được dự báo trước. Ngoài ra, tỷ giá còn được hỗ trợ khi Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn dự trữ để điều tiết khi cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.