Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng thuận vì mục tiêu chung phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh

Nhóm phóng viên| 28/07/2018 07:33

(HNM) - Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội có thể thấy rõ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành một khối lượng lớn công việc quan trọng.



Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt: Vì cả nước, Thủ đô luôn tiên phong đi đầu


Từng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội giai đoạn 1988-1996, nhìn lại 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, tôi thấy, thành tựu của Đảng bộ và nhân dân thành phố rất to lớn, đáng quý trọng. So với trước, nay Hà Nội đã phát triển gấp nhiều lần về số lượng, quy mô, thành tựu đạt được; đã và đang thực hiện đúng như mong muốn của Bác Hồ “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Thành ủy, các đồng chí cán bộ chủ chốt Hà Nội cũ và Hà Tây cũ đã nhận thức tốt, đoàn kết hàng chục vạn đảng viên, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội để xây dựng Hà Nội vững vàng, phát triển. Đội ngũ cán bộ được phát huy; đoàn kết, có ý thức xây dựng, nối tiếp nhau cho bộ máy hoạt động tốt. Điều này thể hiện ở mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7%, đời sống nhân dân từ nội thành đến ngoại thành, vùng xa, vùng miền núi của Hà Tây cũ, những xã hợp nhất về Thủ đô đều có diện mạo mới, phát triển bền vững. Những khi gặp khó khăn, thiên tai, thành phố đã dành nguồn lực, điều kiện, tập trung, kịp thời xử lý…

10 năm qua, vấn đề quy hoạch, xây dựng Thủ đô rất được coi trọng, thành phố làm được nhiều việc, phát triển đúng hướng. Cả Đảng bộ và nhân dân đồng tình, quyết tâm. Đến nay, sau 30 năm đổi mới và gần hơn là 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, đã nhìn thấy rõ sự đồng bộ, phát triển tốt.

Thời gian tới, tôi mong Thủ đô phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. Thủ đô luôn là tấm gương tuyệt đối trung thành với Đảng, ý thức trách nhiệm cao với dân, thực hiện tốt nhiệm vụ theo đường lối của Đảng. Cán bộ Thủ đô trong tình hình mới cần sáng tạo, phát huy trí tuệ trong Đảng, trong nhân dân, tranh thủ nguồn lực tổng hợp của Trung ương và địa phương, thế mạnh của Hà Nội để thu hút đầu tư, đi tắt đón đầu những thành tựu phát triển của bè bạn trong khu vực, trên thế giới; là tấm gương của cả nước, vì cả nước, luôn tiên phong đi đầu…

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái: Thành công nhờ cán bộ biết nghĩ vì cái chung


Khi bắt tay vào thực hiện công tác cán bộ sau điều chỉnh địa giới hành chính, nhiệm vụ khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong số 60-70 đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Tỉnh ủy thì chọn ai làm phó, ai làm trưởng. Sau khi bàn bạc, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đi đến thống nhất là phải xây dựng đề án sắp xếp lại cán bộ; đặc biệt là phải đề ra các nguyên tắc bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Nhờ cách làm này, việc sắp xếp cán bộ cấp trưởng cơ bản ổn định; cán bộ không ai nghĩ phải có tác động này, tác động kia, chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia... Cũng bằng cách làm bài bản, có nguyên tắc, thấu tình, đạt lý, thành phố tiếp tục sắp xếp các vị trí cấp phó. Hơn 100 đồng chí trong 3 đợt luân chuyển cơ bản đều đồng thuận, vui vẻ; sau này hầu hết các đồng chí đều có sự trưởng thành, đóng góp tích cực cho địa phương.

Không chỉ chú trọng làm tốt việc sắp xếp cán bộ cấp thành phố, chúng tôi còn luôn bám sát tình hình, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện ở các sở, ban, ngành. Kết quả cho thấy, cơ bản các cơ quan, đơn vị đều làm tốt. Lúc đầu, một số nơi có biểu hiện phân biệt Hà Nội, Hà Tây, chúng tôi đã kịp thời làm việc với lãnh đạo chủ chốt để chấn chỉnh ngay nên nhìn chung, việc sắp xếp cán bộ trong cả hệ thống chính trị thành phố sau điều chỉnh địa giới hành chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

10 năm sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước phát triển đi lên rất đáng phấn khởi. Đó là nhờ chúng ta làm tốt công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có tinh thần nhân văn, sẻ chia, sẵn sàng từ bỏ lợi ích riêng cho lợi ích chung. Công tác sắp xếp cán bộ khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính để lại nhiều bài học quý mà hiện nay có thể vận dụng. Với tôi, bài học cần thiết nhất là phải quyết liệt thực hiện đúng nguyên tắc. Khi sắp xếp cán bộ đừng để rơi vào tình huống nghe người này, người kia kêu ca, rồi chiều lòng thì đội ngũ chỉ có phình ra thêm, chất lượng ngày càng kém đi.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến: Tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân


Ngay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề cao trách nhiệm, làm tốt công tác lãnh đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ. Đảng bộ các địa phương đã làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, đây là việc quan trọng nhất, khó nhất, vì động chạm đến quyền lợi thiết thực của một bộ phận cán bộ, nếu thực hiện không tốt rất dễ dẫn đến vấn đề tư tưởng, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ.

Cùng với sắp xếp bộ máy, cán bộ, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng được các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vì thế, sau 10 năm, kinh tế - xã hội của thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, về tốc độ với nhiều thành tích nổi bật, toàn diện.

Kinh nghiệm của sự thành công trên chính là việc Thành ủy Hà Nội đã đặc biệt coi trọng việc quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong lãnh đạo, Thành ủy đã bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, hết sức chú trọng phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội quán triệt quan điểm “nhân dân là gốc”, mọi tư duy, quan điểm chỉ đạo, cơ chế, chính sách của thành phố đều hướng đến mục tiêu vì lợi ích của nhân dân.

Hiện nay, vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch, kể cả quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch xây dựng đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng chính là việc tới đây thành phố cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đồng thời đáp ứng kỳ vọng của việc điều chỉnh địa giới hành chính mà Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội đã đề ra.

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đào Văn Bình: Quan tâm đầu tư phát triển cả nội và ngoại thành


Qua 10 năm, thành phố đã chủ động thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội và đạt được nhiều thành tựu. Cán bộ Hà Nội cũ, Hà Tây cũ được giải quyết chế độ, sắp xếp khoa học, dân chủ được phát huy. Trong công tác, đội ngũ cán bộ đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương đã đề ra. Thành phố cũng quan tâm đầu tư phát triển cả nội và ngoại thành. Đặc biệt ở khu vực Hà Tây cũ, huyện Mê Linh, các xã thuộc tỉnh Hòa Bình về với Thủ đô được đầu tư rất tốt. Tôi nhớ, trước đây để chống xuống cấp trường học, tỉnh Hà Tây cũ tranh thủ kinh phí trung ương và vốn địa phương chỉ được hơn 100 tỷ đồng. Sau điều chỉnh địa giới hành chính, HĐND thành phố quyết định đầu tư chỉ một lần hơn 2.500 tỷ đồng cho ngành Giáo dục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng trường học. Các lĩnh vực khác như điện, đường, trạm y tế, xây dựng nông thôn mới cũng được chú trọng đầu tư.

Đường liên tỉnh đã được trang bị đèn chiếu sáng. Xe buýt trợ giá được mở rộng đến khu vực ngoại thành. Công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện quyết liệt; mỗi năm thành phố xóa hơn 2.000 nhà dột nát. Tóm lại, chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô là rất đúng đắn, phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Theo tôi, thời gian tới, thành phố cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển các trục giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, cần đầu tư kinh phí duy tu, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có việc đẩy mạnh huy động xã hội hóa nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống lịch sử của thành phố. Thành phố cũng cần rà soát lại quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, giúp người dân ly nông nhưng không ly hương, nâng cao đời sống.

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh: Giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết trong Đảng


Trong gần 10 năm công tác từ khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, tôi thấy rằng, để đạt được thành công trong thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ toàn diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng luôn được quan tâm và chú trọng.

Trong công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát được Thành ủy và cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, chủ động thực hiện toàn diện nhiệm vụ giám sát, gắn với các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Từ ngày 1-8-2008 đến nay, Thành ủy và cấp ủy các cấp đã kiểm tra 24.039 lượt tổ chức Đảng và 30.910 đảng viên. Công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm được chú trọng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 878 tổ chức Đảng và 2.840 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đối với 58 tổ chức Đảng và 1.454 đảng viên; cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 167 tổ chức Đảng và 7.018 đảng viên, giải quyết 199 trường hợp khiếu nại về công tác kỷ luật đảng. Sự nghiêm khắc, khách quan, công tâm thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết trong Đảng, làm trong sạch tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống chính trị thành phố.

Hiện nay, với một Đảng bộ có trên 40 vạn đảng viên, gần 3.000 tổ chức cơ sở Đảng, trên 18.000 chi bộ, công tác xây dựng Đảng phải được Thành ủy và cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện. Trong đó công tác kiểm tra, giám sát cần phát huy kết quả của thời gian qua, tập trung vào việc kiểm tra đảng viên, tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, góp phần phòng, chống tham nhũng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận vì mục tiêu chung phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.