Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông Nam Bộ: Phát triển thị trường lao động bền vững

Tuệ An| 16/12/2022 11:13

(HNMO) - Đông Nam Bộ là vùng có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp nhất cả nước. Việc phát triển ổn định, bền vững thị trường lao động khu vực này đóng vai trò quan trọng không chỉ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng mà còn cho cả nước, do đó, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần triển khai các giải pháp căn cơ.

Bấp bênh người lao động tay nghề thấp

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 12-2022, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên do giảm đơn hàng xuất khẩu xảy ra tại một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Những doanh nghiệp này chủ yếu thuộc các ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, chế biến gỗ…

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh cho biết, tính đến cuối tháng 11-2022, thành phố có 27 doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động vì nhiều lý do, khiến 2.844/14.861 người bị mất việc. Đơn cử, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), nơi có hơn 50.000 công nhân làm da giày, vừa phải cho nhiều công nhân nghỉ luân phiên từ ngày 1 đến 14-12.

Tại tỉnh Bình Dương, tính đến đầu tháng 12-2022, có khoảng 37.000 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng; hơn 240.000 lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Còn tại tỉnh Đồng Nai, trong nửa cuối của năm 2022, có khoảng 100 doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, nên phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động (tương đương 10% nhân sự).

Chị Võ Thị Phượng, 44 tuổi, quê Trà Vinh, có thâm niên 18 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Lâu nay tôi chỉ biết làm công việc sản xuất da giày. Nay công ty cắt giảm gần 1.200 công nhân, những lao động như tôi rất khó tìm việc khác”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (thành phố Hồ Chí Minh), các công nhân làm việc tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động có đặc điểm chung là được đào tạo nhanh để làm việc ngay theo dây chuyền sản xuất. Nay họ gặp khó khi tìm việc làm mới, do kỹ năng lao động hạn chế.

Giảm dần các ngành thâm dụng lao động

Trong khi một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, nhiều doanh nghiệp khác lại đang tuyển người làm. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-2022, thành phố cần 23.000-25.000 chỗ làm mới cho lao động có tay nghề. Tại tỉnh Bình Dương, trong tháng 12-2022, có 38 doanh nghiệp cần tuyển 9.000 lao động. “Vị trí tuyển là nhân viên kế toán; nhân viên kỹ thuật điện, tự động hóa, thiết kế, công nghệ thông tin…”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết.

Có thể thấy, người lao động qua đào tạo, có tay nghề sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm ổn định hơn. Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung cho rằng, về lâu dài, Đông Nam Bộ không thể tiếp tục dựa vào thế mạnh là lao động giá rẻ. Người lao động cần được đào tạo kỹ năng nghề tiệm cận với trình độ khu vực để bảo đảm công việc và thu nhập ổn định.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất: “Nhóm người lao động dưới 40 tuổi còn nhiều cơ hội và khả năng học hỏi, nâng cao tay nghề, nên cần được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Nhóm người trên 40 tuổi có ít lựa chọn hơn, rất cần được trợ giúp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để ổn định cuộc sống”.

Một giải pháp khác được Bí thư Quận ủy Bình Tân (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Minh Nhật đưa ra, đó là bố trí các doanh nghiệp thâm dụng lao động tại Đông Nam Bộ đến các vùng mới phát triển công nghiệp, nhường diện tích đất để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Đề xuất này được một số chuyên gia đánh giá tích cực, nếu nhìn từ góc độ có nhiều địa phương thuần nông đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lên đến 250.000ha, lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Nay, địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực phi nông nghiệp, phát triển dịch vụ, sản xuất.

“90% lực lượng lao động của tỉnh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đang nỗ lực giảm tỷ lệ này càng nhiều càng tốt để vừa phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, vừa bổ sung nhân lực cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Hiển chia sẻ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, thành phố cần chuyển đổi mô hình hoạt động khu chế xuất, khu công nghiệp dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giảm ngành thâm dụng lao động, loại bỏ những mô hình sản xuất già cỗi; từng bước chuyển đổi sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ: Phát triển thị trường lao động bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.