Hà Nội kết nối

Đông Nam Bộ: Du khách đông nhưng doanh thu chưa như kỳ vọng

Nhóm phóng viên 26/12/2023 - 15:13

Năm 2023, du lịch Đông Nam Bộ đón hơn 65 triệu lượt khách (tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước), chiếm 54,2% tổng khách du lịch toàn quốc, nhưng doanh thu chỉ chiếm 26,9% so với cả nước.

a840.jpg
Biển Vũng Tàu, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Bộ.

Nhiều kết quả khả quan

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, Đông Nam Bộ hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch, như: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước, có sân bay quốc tế; Tây Ninh có núi non; Đồng Nai, Bình Phước có Khu bảo tồn thiên nhiên; Bình Dương có công nghiệp phát triển; Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có bờ biển dài và đẹp…

a841.jpg
Núi Bà Đen (Tây Ninh) là một điểm du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Bộ.

Hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2023, Đông Nam Bộ đón trên 65,3 triệu lượt khách, tăng trên 18,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm hơn 54% lượng khách du lịch cả nước. Doanh thu từ du lịch đạt trên 180 ngàn tỷ đồng, tăng trên 22% so với năm 2022.

Việc liên kết phát triển du lịch cũng đã thúc đẩy nhiều địa phương trong vùng khai phá các tiềm năng của mình. Điển hình như Bình Phước, tỉnh đã liên kết triển khai tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, tour khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập; kết nối Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo; tour du lịch trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm kết nối với Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá; tour du lịch quốc tế “Một ngày - 4 quốc gia” (thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan)...

Từ phía doanh nghiệp du lịch, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel thông tin, từ việc liên kết phát triển du lịch, Vietravel cũng đã xây dựng nhiều tour tuyến độc đáo, như: “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ” ở Tây Ninh; tour "Bình yên dưới tán rừng Nam Bộ” ở Bình Dương..., với thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút du khách để đưa đến các địa phương trong vùng.

“Chúng tôi thiết kế các tour liên kết căn cứ theo thế mạnh của Đông Nam Bộ như "Vũ điệu sóng biển", "Khám phá sông nước miệt vườn", "Màu xanh trên miền đất thép"; hay tour "Rủ nhau đi trốn bằng tàu lửa, về bằng buýt đường sông"…”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nói.

Du khách chưa sẵn sàng mở hầu bao

Tuy nhiên, trong những kết quả đã đạt được, liên kết phát triển du lịch Đông Nam Bộ năm qua cũng bộc lộ một số vấn đề cần khắc phục. Điển hình là việc lượng khách đông, chiếm hơn 54% lượng khách cả nước, nhưng doanh thu du lịch chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước.

Nhận xét về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho rằng doanh thu chưa cao là do khách vẫn ở ngắn ngày, chi tiêu ít vì tour liên kết chưa có nhiều; các sản phẩm dịch vụ chưa nổi trội để khách sẵn sàng “móc hầu bao”.

a844.jpg
Một điểm du lịch ở tỉnh Đồng Nai.

Từ một khía cạnh khác, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nhận định, toàn vùng vẫn còn thiếu một slogan chung về du lịch để tạo thương hiệu du lịch vùng, nên chưa thật thuận lợi trong quảng bá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký Câu lạc bộ du thuyền thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét Đông Nam Bộ có một điểm chung, đó là hệ thống sông ngòi dày đặc kết nối cảng biển quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển du lịch đường thủy.

a845a.jpg
Một siêu tàu du lich biển quốc tế cập cảng hàng hóa ở thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Đông Nam Bộ chưa có cảng riêng cho tàu du lịch.

Lâu nay, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi thường xuyên đón các tàu biển du lịch quốc tế cỡ lớn và đưa khách đến các địa phương trong vùng, nhưng lại chưa có hạ tầng bến du thuyền và trung tâm hàng hải chuyên phục vụ khách du lịch; vẫn phải dùng chung cảng hàng hóa. Du khách xuống tàu đến các nơi vẫn bằng đường bộ mà chưa có tour đường sông khai thác thế mạnh sông nước miền Nam…

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng để hiện thực hóa mục tiêu “6 địa phương - 1 điểm đến” và đưa Đông Nam Bộ trở thành một trong 7 vùng phát triển du lịch nổi bật của Việt Nam,cần liên kết chặt chẽ hơn trong tạo môi trường phát triển du lịch thống nhất. Doanh nghiệp du lịch sẽ từ đó phát triển thêm sản phẩm liên kết để thu hút du khách; tăng cường quảng bá du lịch vùng đến du khách trong và ngoài nước.

a846.jpg
Bình Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ.

“Trước mắt, chúng tôi mong các địa phương cùng phối hợp hoàn thiện bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ cho toàn vùng, góp phần tăng cường hiệu quả truyền thông của cụm du lịch Đông Nam Bộ”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ: Du khách đông nhưng doanh thu chưa như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.