Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực của kinh tế toàn cầu

Vân Khanh| 04/06/2012 06:18

(HNM) - Châu Âu tiếp tục đón nhận tin xấu khi Egan Jones đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha từ BB xuống B. Sau việc 16 ngân hàng của nước này bị các nhà xếp hạng tín dụng hạ bậc trước đó không lâu, mọi chỉ dấu dường như đang ủng hộ luận điểm không mong muốn là rất có thể Tây Ban Nha sẽ trở thành quốc gia tiếp theo cần nhận cứu trợ.



Từ nước Mỹ, các số liệu kinh tế buồn tẻ đẩy giá dầu xuống thấp nhất trong 3 năm và khiến thị trường chứng khoán mất toàn bộ số điểm đã vất vả kiếm được trong thời gian qua. Giữa lúc ấy, tỷ lệ tăng trưởng đáng ngạc nhiên và tương đối bền vững đã biến Đông Á thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Một Đông Á năng động đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu.

Vì thế, cuộc gặp gỡ thường niên giữa các nhà lãnh đạo trong khu vực cùng nhiều chuyên gia khắp nơi trên thế giới tại diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á diễn ra tại Thái Lan cuối tuần qua được xem là sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận. "Định hướng tương lai qua kết nối", chủ đề của diễn đàn năm 2012 đã phần nào giải đáp được câu hỏi đang đặt ra là làm thế nào để tận dụng các cơ hội và ứng phó với thách thức để Đông Á thực sự trở thành khu vực năng động nhất thế giới.

Là mái nhà của những cường quốc kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia đầy tiềm năng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Phillipines… Đông Á đã có thời gian dài phát triển ấn tượng. Vượt qua bão táp của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997, Đông Á đã khẳng định vị thế một trung tâm kinh tế quan trọng của thế giới với việc đóng góp ngày càng nhiều hơn vào GDP toàn cầu. Ngay trong thời điểm này khi nhiều khu vực khác đang tìm mọi cách chỉ để thoát khỏi suy thoái, Đông Á vẫn đạt được những điểm dương tăng trưởng. Nếu trong năm 2011, tốc độ GDP 8,2% của khu vực đã gây không ít ngỡ ngàng thì trong năm nay, bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều u ám, tỷ lệ này vẫn được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự đoán sẽ đứng ở mức 7,4%. Tăng trưởng đã được nhìn nhận là chìa khóa khiến Đông Á ngày càng mở rộng vai trò trên vũ đài địa kinh tế toàn cầu. Không ít chuyên gia nhận định rằng, nhờ có những năm tháng tăng trưởng cao, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực đã được cải thiện đáng kể. Thu nhập tốt hơn đồng nghĩa với sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng. Do đó, không chỉ đơn thuần đóng góp cho chuỗi sản xuất toàn cầu trên cương vị những nhà xuất khẩu mà khả năng tiêu thụ hàng hóa khá cao tại khu vực tập trung phần lớn dân số thế giới còn khiến Đông Á trở thành những nhà tiêu dùng của chính mình và khu vực khác. Nhu cầu nội địa ngày càng tăng theo đúng quy luật đã đóng góp trở lại cho tăng trưởng và là nguyên nhân quan trọng giúp Đông Á trụ vững qua những giông tố của kinh tế thế giới và dần trở thành một điểm tựa quan trọng của kinh tế toàn cầu.

Một Đông Á đang nổi lên mạnh mẽ đã tạo nên những cảm hứng đặc biệt cho khoảng 600 thành viên tham dự WEF Đông Á 2012. Vẫn biết rằng những lợi thế từ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào tại hầu khắp các quốc gia trong khu vực đã mang đến sức hút cho Đông Á. Song cần phải có những quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn để liên kết các ưu thế của từng thành viên tạo sức mạnh chung cho cả khu vực là mục tiêu cần thiết để giữ vững vị thế của Đông Á hiện nay. Hàng loạt các cuộc gặp gỡ, thảo luận đã đạt được sự hiểu biết và đồng thuận chung. Sự tham gia của Việt Nam thông qua việc đóng góp vào nhiều vấn đề quan trọng đã thể hiện rõ ràng sự thiện chí, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực vì một Đông Á hùng mạnh hơn. Trong đó, ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bảo đảm an ninh hàng hải tại biển Đông như một động lực nhằm góp phần đẩy mạnh sự kết nối của các nền kinh tế Đông Á đã nhận được sự chia sẻ và đánh giá cao.

Sẽ là không thực tế nếu cho rằng Đông Á sẽ hoàn toàn an toàn trước nguy cơ khủng hoảng đang hiện hữu cũng như trở thành lối thoát cho kinh tế thế giới. Chính khu vực cũng phải chịu sức ép nặng nề khi những thị trường chủ chốt như Châu Âu và Mỹ gặp khó và vẫn điêu đứng với tình trạng lạm phát và phát triển nóng. Tuy nhiên, với tiềm năng dồi dào, Đông Á đang tạo nên sự dịch chuyển đáng kể của trọng tâm kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực của kinh tế toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.