(HNM) - Nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, cuộc sống của đa số người khuyết tật đã ngày một ổn định, tốt đẹp hơn, song vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở như làm sao tạo động lực để người khuyết tật luôn vươn lên...
Sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp người khuyết tật tự tin, vui sống, trở thành những nhân tố tích cực trong xã hội. Ảnh: Sơn Hà |
“Bà đỡ” của người khuyết tật
Hiện nay, nước ta có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật, tương đương với 7,8% dân số, trong đó 60% người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động. Giúp người khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, ngoài các chính sách bảo trợ xã hội, nhiều tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện đã được thành lập, trở thành “bà đỡ” của những phận đời kém may mắn. Với mạng lưới các tổ chức hội về người khuyết tật được thành lập từ trung ương tới cấp xã, phường, thị trấn, đa số người khuyết tật có cơ hội, điều kiện sinh hoạt, học tập, giao lưu, chia sẻ với những hoàn cảnh tương đồng và tìm thấy niềm tin, tình yêu cuộc sống.
Điển hình như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin có mạng lưới ở 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút hơn 360 nghìn người tham gia. Từ năm 2012 đến nay, Hội đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 109 nghìn lượt hội viên; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa hơn 3 nghìn nhà ở cho các gia đình có nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. Hội Người mù tạo điều kiện cho hơn 30 cơ sở sản xuất và hơn 10 nghìn lượt hội viên vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc làm kinh tế gia đình. Hiệp hội Paralympic Việt Nam tổ chức thành công nhiều đại hội thể dục, thể thao, đào tạo thành công nhiều vận động viên người khuyết tật, góp phần mang lại vinh quang cho thể thao Việt Nam…
Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, từ năm 2012 đến nay, Liên hiệp hội cùng các hội thành viên đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho hơn 5 nghìn người khuyết tật, 70% người khuyết tật học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm tại gia đình với mức thu nhập trung bình 2 triệu đồng/người/tháng; tặng hàng nghìn xe lăn, xe lắc, xe quay và hàng vạn suất quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, Tết…
Khảo sát của các cơ quan chức năng về người khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội cũng cho thấy, người khuyết tật được quan tâm về nhiều mặt. Thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật TP Hà Nội giai đoạn 2013-2020, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ gia đình người khuyết tật tiếp cận, sử dụng nguồn vốn ưu đãi.
Người khuyết tật được vay vốn để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, chăn nuôi hoặc mở cửa hàng tạp hóa, may mặc, sửa chữa điện tử… mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bản thân và gia đình. Nhiều người khuyết tật đã vượt lên hoàn cảnh, truyền ngọn lửa tin yêu cuộc sống cho những người xung quanh.
“Không may sinh ra bị mù, tôi sống trong sự thiếu tự tin, khép kín suốt nhiều năm. Từ khi gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng sống, tôi và các hội viên Chi hội Người mù huyện Ứng Hòa suy nghĩ tích cực hơn, sống lạc quan hơn”, bà Lưu Thị Cải, Chi hội Người mù huyện Ứng Hòa chia sẻ.
Tránh đơn điệu trong dạy nghề, tạo việc làm
Cùng với ý chí, nghị lực phi thường của bản thân người khuyết tật, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp người khuyết tật tự tin, vui sống, trở thành những nhân tố tích cực trong xã hội. Những tấm gương người khuyết tật điển hình như Nguyễn Sơn Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đào tạo và Truyền thông Tỏa Sáng; Nguyễn Thảo Vân, người tham gia sáng lập Trung tâm Nghị lực sống Hà Nội; nhà văn Trần Trà My (Đông Hà, Quảng Trị), Đoàn Bá Khiêm, người soạn từ điển cho trẻ câm điếc… đều đã thành công khi bên họ luôn có sự động viên, khích lệ của người thân, sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, xã hội. Chỉ tiếc rằng hiện nay với số lượng người khuyết tật tương đối nhiều, các tổ chức, cá nhân dù rất cố gắng vẫn chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu đa dạng của người khuyết tật.
Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đánh giá, chính sách hỗ trợ người khuyết tật vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, số người được tiếp cận nguồn vốn vẫn chưa nhiều, nghề truyền dạy cho người khuyết tật còn đơn điệu. Hiện nay, người khuyết tật vùng nông thôn chủ yếu được dạy nghề thủ công truyền thống, người khuyết tật khu vực đô thị được dạy nghề tẩm quất, mát xa, bán hàng…, trong khi nhiều người khuyết tật có năng khiếu, nguyện vọng gắn bó với những công việc khác.
Theo ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cần được quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa; đồng thời cần được triển khai sao cho phù hợp với sở trường, hoàn cảnh của từng người. Với những người có năng khiếu nghệ thuật, ngành Văn hóa nên hỗ trợ họ về chương trình, địa điểm biểu diễn. Người có khả năng trong các lĩnh vực khác cũng cần được cộng đồng chung tay, hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển...
Bà Đặng Huỳnh Mai cho biết thêm, khung pháp lý đối với người khuyết tật hiện nay tương đối hoàn thiện, song việc thực thi các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, nguồn tài trợ từ bên ngoài có xu hướng giảm. Từ thực tế đó, bà Đặng Huỳnh Mai kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan đến người khuyết tật tăng cường sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người khuyết tật tự vượt khó, hòa nhập cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.