Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng lòng vì một Chính phủ kiến tạo

Hà Phong| 05/02/2019 10:35

(HNM) - Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gửi thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Tăng "sức khỏe" cho nền kinh tế

Kết thúc năm 2018 cũng là thời điểm Chính phủ khóa XIV đã trải qua nửa nhiệm kỳ đầu với rất nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng đã được nêu trong hàng loạt nghị quyết quan trọng mà Chính phủ ban hành như Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các nghị quyết số 19 hằng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ những vấn đề vĩ mô cho tới từng vụ việc cụ thể, để “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”. Để đạt mục tiêu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 đã có nhiều giải pháp được triển khai. Đặc biệt, Chính phủ tổ chức 4 hội nghị chuyên đề toàn quốc bàn các biện pháp giải quyết những khó khăn nổi lên.

Cùng với đó, chiến dịch cắt giảm các điều kiện kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, các bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% tổng số điều kiện kinh doanh và 50% mặt hàng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Với những vấn đề mới, chưa có văn bản điều chỉnh thì ấn định thời gian thực hiện thí điểm để vừa không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh (nếu có), vừa có cơ sở đánh giá việc thực hiện toàn diện.

Những nỗ lực này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, nếu như những tháng đầu năm 2018 còn có hiện tượng giảm thủ tục này, "mọc" thủ tục khác, làm cho có, thì tới cuối năm, việc đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh có chuyển biến quan trọng. Các bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, vượt 36,5% chỉ tiêu giao. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ: Việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục phải được lượng hóa đã được 8/10 bộ, ngành báo cáo kết quả cụ thể bằng những minh chứng rõ ràng về thời gian, chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp và xã hội với khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm...

Các chương trình hành động trên bước đầu thực thi có hiệu quả, củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Sự thăng hạng của Việt Nam trong các chỉ số của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới và con số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký trong những tháng cuối năm 2018 là những minh chứng sống động. Đáng phấn khởi, năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam đạt và vượt tất cả chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới

Đánh giá về sự chuyển động của Chính phủ, cải cách của các bộ, ngành năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những thành quả đạt được giúp tăng “sức khỏe” nền kinh tế, làm nên một năm đặc biệt - tăng trưởng theo chiều sâu; tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo. "Theo khảo sát của VCCI, đa số doanh nghiệp đều cảm nhận rõ điều này. Song, những chuyển động dù rất ấn tượng, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mức độ chuyển biến không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các lĩnh vực và địa phương", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được bởi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thể chế phải làm sao tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững. Đi liền với đó là giảm chi phí tốt hơn, từ chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Nhiệm vụ chính của Chính phủ trong năm 2019 là tăng tốc, bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn chần chừ, sợ trách nhiệm thực thi công vụ.

Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế năm 2019 đã được Chính phủ đề xuất bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8% đến 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 33% đến 34% GDP.

Để đạt mục tiêu này, có 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, củng cố năng lực thể chế nhà nước; chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời; kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… là những ưu tiên. Cùng với đó là quyết liệt cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Chính phủ xác định các giải pháp nhằm nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là rất sáng suốt. Chính phủ kiến tạo liên quan đến xây dựng thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh. Vì vậy, cần sớm hậu kiểm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các văn bản pháp luật khác đã vào cuộc sống đến đâu, chỗ nào bị tắc nghẽn cần sớm khai thông. Bởi cơ chế, chính sách đã ban hành đồng bộ, mà không đi vào cuộc sống thì không có tác dụng và mục tiêu nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế khó có thể thực hiện được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng vì một Chính phủ kiến tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.