Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng lòng, nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi

Hồ Bách| 29/11/2013 06:11

(HNM) - Bên lề kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới lý do ấn nút biểu quyết thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi). Nhiều ý kiến khẳng định, các chỉnh lý đều phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp năm 1992.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Tuổi trẻ


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:
Đã rõ sự đồng thuận với những nội dung chỉnh sửa

Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ hơn 97% ĐBQH tán thành đã chứng tỏ sự đồng thuận, nhất trí rất cao trong các ĐBQH với những nội dung đã chỉnh sửa. Theo tôi, một trong những đổi mới lớn nhất trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) là thể theo nguyện vọng của ĐBQH và cử tri, đã ghi trách nhiệm của ĐBQH, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan khác của Quốc hội, của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác của Nhà nước và trách nhiệm của toàn dân.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận):
Hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương

Tôi rất tâm đắc với các nội dung liên quan đến chính quyền địa phương. Thực ra, nếu so sánh với Hiến pháp năm 1992, mô hình tổ chức chính quyền địa phương gần như giữ nguyên như trước đây và việc sửa đổi, bổ sung chỉ là nhằm hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Vấn đề này từng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trải qua một quá trình rất dài với rất nhiều tranh luận, tôi nhận thấy việc giữ được hệ thống chính quyền địa phương như hiện nay là đúng đắn, bảo đảm cho mục tiêu ổn định và phát triển. Điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, đó là vấn đề đặt ra và cũng là việc các bộ, ngành liên quan phải giải quyết được trong thời gian tới.

ĐB Trương Thái Hiền (Đoàn Kiên Giang):
Tiền đề xây dựng Luật Tổ chức tòa án nhân dân

Với góc nhìn của một cán bộ công tác trong ngành tòa án, tôi tin tưởng Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo điều kiện và làm tiền đề để ngành tòa án xây dựng Luật Tổ chức tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, cùng với việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi), ngày 29-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành tòa án thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về đất đai theo hướng minh bạch, rõ ràng, bảo đảm hơn nữa quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, sắp tới các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án phải đóng vai trò chủ công trong tuyên truyền, phổ biến, đưa Hiến pháp, Luật Đất đai sửa đổi vào cuộc sống.

ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội):
Hiến pháp đặc biệt chú trọng quyền con người

Trước đây, Chương V của Hiến pháp năm 1992 chỉ nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua ngoài nêu nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã đề cập cả vấn đề quyền con người và đưa Chương "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân" lên Chương II, ngay sau Chương "Chế độ chính trị" là rất hợp lý. Điều này đã thể hiện tầm quan trọng, vị trí của quyền con người, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, cụ thể là quyền sống, quyền học tập và những quyền khác đã được pháp luật quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng, nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.