Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử" có thời lượng 70 phút gồm 11 tiết mục hát, múa, vẽ tranh tưởng niệm ngày hy sinh của 10 liệt nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Tối 22-7, tại Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử" nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tưởng niệm ngày hy sinh của 10 liệt nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; cùng đại biểu các bộ, ban, ngành trung ương; tỉnh Hà Tĩnh và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân các liệt sĩ, đông đảo nhân dân tham dự.
Phát biểu khai mạc chương trình, ôn lại sự kiện hào hùng tại Ngã ba Đồng Lộc 51 năm trước, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, trong cuộc kháng chiến trường chinh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh vừa là hậu phương của tiền tuyến miền Nam, vừa là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc; Ngã ba Đồng Lộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Với dã tâm tận diệt yết hầu Đồng Lộc, cắt đứt chi viện của hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10-1968, đế quốc Mỹ đã đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc gần 1.900 lần với trên 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi tháng đế quốc Mỹ ném bom 28 ngày, có ngày 103 lần với trên 800 quả bom. Bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây phải oằn mình gánh chịu ba quả bom tấn.
Mặc cho mưa bom, bão đạn, cái chết cận kề, nhưng với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong, pháo cao xạ, công nhân giao thông, công an nhân dân... ngày đêm bám trụ Đồng Lộc, kiên cường chiến đấu để nối cầu, thông đường cho những đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Tại mảnh đất lửa Ngã ba Đồng Lộc, hàng ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Tận cùng của nỗi đau thương, mất mát đó là khoảnh khắc định mệnh lúc 16h40' ngày 24-7-1968, 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Các chị ra đi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, để hóa thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
51 năm đã trôi qua, nhưng khúc tráng ca anh hùng của những người đã sống, chiến đấu, lao động trên chiến trường Đồng Lộc còn vang vọng mãi. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học sâu sắc của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn nguyên giá trị. Đó chính là tinh thần không nao núng trước mọi gian nan thử thách; ý chí quyết chiến, quyết thắng trước kẻ thù xâm lược; tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của các lực lượng; đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, dựa vào dân; là tinh thần nhân văn cao cả trước đồng chí, đồng đội...
Sự hy sinh của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong và bao anh hùng tại vùng đất chảo lửa Đồng Lộc là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng; khích lệ lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân diệt giặc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử" có thời lượng 70 phút gồm 11 tiết mục hát, múa, vẽ tranh: "Về xứ Nghệ cùng em", "Đồng Lộc mười bông hoa bất tử", "Đôi bờ ví giặm", "Đồng Lộc đẹp mãi tên em", "Neo đậu bến quê", "Hà Tĩnh mình thương"... tái hiện lại hình ảnh mảnh đất Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng, nơi đã sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt cho đất nước; đưa khán giả về những mốc son lịch sử của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc.
Chương trình cũng là lời tri ân của thế hệ trẻ đối với những hy sinh của cha ông; khẳng định niềm tự hào và quyết tâm giành những thắng lợi mới trong thời đại mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.