Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành với nạn nhân bị mua bán trở về

Vũ Minh| 01/08/2020 06:59

(HNM) - Nạn nhân bị mua bán trở về cần sự hỗ trợ về nhiều mặt để tái hòa nhập cộng đồng. Thấu hiểu điều này, thời gian qua các cơ quan, đơn vị chức năng và cộng đồng luôn chung tay hỗ trợ nạn nhân.

Dưới góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, nhiều nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về không có giấy tờ tùy thân, không khai báo, không hợp tác, khiến các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác xác minh, tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho nạn nhân.

Còn theo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) - đơn vị tham gia hỗ trợ nạn nhân cho biết, nạn nhân bị mua bán trở về thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần, thậm chí có những người bị mất trí nhớ, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Vì vậy, họ dễ gặp sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh; còn bản thân họ cũng mang theo những mặc cảm, tự ti, nên không dễ hòa nhập cộng đồng…

Để hỗ trợ nạn nhân, Nhà nước và các cơ quan chức năng có nhiều chính sách, giải pháp trợ giúp cho họ cả về vật chất, tinh thần. Đặc biệt, theo Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27-11-2019 của Bộ Tài chính, từ ngày 15-1-2020, nạn nhân của mua bán người là đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ một phần chi phí học tập. Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng sẽ được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Không may nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị, thì chi phí khám, chữa bệnh được thực hiện theo chính sách bảo hiểm y tế…

Cùng với các cơ quan chức năng, trong những năm vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân cũng chung tay hỗ trợ nạn nhân. Chẳng hạn, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) - tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật, nạn nhân của nạn mua bán người tại Việt Nam đã giải cứu và hỗ trợ thành công gần 1.000 nạn nhân (người trẻ nhất là 11 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 65 tuổi, chủ yếu là nữ ở độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi).

Song song với công tác tư vấn, trợ giúp về tâm lý, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh đã hỗ trợ về học nghề, việc làm dựa trên nhu cầu của nạn nhân. Nhờ đó, nhiều nạn nhân đã vượt qua tâm lý mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng. Em N.T.H (19 tuổi, đến từ một tỉnh miền núi phía Bắc) chia sẻ: “Sau khi học nghề làm bánh với sự hỗ trợ của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, em đã có việc làm tại một cơ sở sản xuất bánh ngọt ở Hà Nội với thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống dần thay đổi theo hướng tích cực”.

Nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như việc hỗ trợ nạn nhân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định mới, thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11-1-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Sự hỗ trợ đến từ nhiều phía được kỳ vọng sẽ tạo thành điểm tựa cho nạn nhân vơi bớt nỗi đau, vững tin tái hòa nhập cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành với nạn nhân bị mua bán trở về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.