(HNM) - Ở những ngày đầu của lớp 1, trong nhiều trường học, chuyện một vài trẻ đã đọc truyện vanh vách là có thật. Nhiều trẻ khác đã nhận biết hết các chữ cái, bắt đầu ghép vần. Một số bạn thì chưa biết gì, bắt đầu háo hức với những nét thẳng, nét xiên đầu tiên…
Tuy nhiên, có hai vấn đề đáng nói ở đây, nhất là khi năm học mới đang đến gần. Thứ nhất là, làm sao không để chuyện học chữ trở thành một điều kiện bắt buộc với trẻ trước khi vào lớp 1. Về mặt quy định chính thống thì điều này là không thể vì ngành Giáo dục đã có lệnh cấm các trường dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ.
Do đó, điều đáng quan tâm còn lại là, làm sao gỡ bỏ cái “điều kiện bắt buộc” vốn nảy sinh và ám ảnh ngay trong suy nghĩ các bậc phụ huynh, khiến nhà nhà đôn đáo tìm chỗ cho con học chữ trước bằng mọi giá mà không tính hết những tác động tiêu cực. Thứ hai, trong một môi trường giáo dục khó tránh khỏi tình trạng trẻ biết chữ, trẻ không như vậy thì nhà trường, đặc biệt là thầy cô và phụ huynh phải ứng xử thế nào để phát huy được sự hứng thú học hỏi của những bạn nhỏ “i tờ” này; tạo môi trường giáo dục lành mạnh, từ đó giảm áp lực phải cho con học chữ trước của nhiều bậc phụ huynh.
Giáo dục quả thực chưa bao giờ là việc dễ, nhất là đối với lứa tuổi vừa rời xa môi trường mẫu giáo, chính thức bước vào các chương trình học tập bài bản.
Cũng như vậy, giáo dục bắt buộc phải đối diện với thực tế không thể có “cào bằng” trong nhận thức, tư duy của tất cả học sinh…
Từ những ghi nhận thực tế một cách khách quan trên, rõ ràng nhà trường, phụ huynh, các chuyên gia giáo dục, các thầy cô phải thực sự chung tay để thấu hiểu và đồng hành cùng với trẻ, cụ thể là qua câu chuyện học chữ trước hay không, làm thế nào để vượt qua năm đầu đi học một cách hiệu quả nhất?
Có thể nói, nhà trường, thầy cô, phụ huynh cần tuyệt đối tôn trọng quy định của ngành về việc không dạy trước chương trình lớp 1. Thay vào đó hãy cùng chuẩn bị cho trẻ những điều kiện học tập tốt nhất khi bước vào việc học chữ. Cũng như vậy, quyền và trách nhiệm "thấu hiểu" với trẻ phụ thuộc vào chính ông bà, cha mẹ của trẻ. Trong đó, phải tùy vào sự hứng thú, khả năng tiếp thu mà đồng hành, hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái, con số một cách tự nhiên, hiệu quả; tuyệt đối không ép trẻ phải vào “lò tập viết” gây ức chế, thậm chí phản tác dụng với trẻ.
Trong một lớp học, nếu có em biết chữ, em không, thì giáo viên là người mang trọng trách đầu tiên để điều hòa sự khác biệt này. Sự động viên của thầy cô đối với các em chập chững học những nét chữ đầu tiên là vô cùng quan trọng, nhưng sự tinh tế, kiên trì để hướng các em đã biết chữ vào khuyến khích phong trào học chung của lớp mà không tạo ra tâm lý chủ quan, tự kiêu của trẻ cũng rất quan trọng và thực sự khó khăn không kém. Việc này, các phụ huynh lại càng nên đồng hành với con, với thầy cô bằng cách theo sát từng bài học, từng diễn biến tâm lý của trẻ.
Một hoạt động khác có thể tạo ra sự thay đổi về gốc rễ trong tâm lý lo lắng dẫn đến đua nhau cho con học chữ trước của cha mẹ, là tiếng nói chung của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô, của toàn ngành và cả xã hội. Những phân tích trên cơ sở khoa học, những sẻ chia về phương pháp giáo dục hiệu quả sẽ là cách để đồng hành, thấu hiểu giúp các phụ huynh loại bỏ nỗi lo, thêm niềm tin vào nhà trường, thầy cô trong năm đầu tiên đưa con đến lớp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.