(HNM) - Dù nguồn lực quốc gia còn hạn chế, nhưng Nhà nước đã dành lượng kinh phí khá lớn cho các chương trình khoa học - công nghệ (KH-CN) trọng điểm, nhờ đó, đã thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển
Chương trình KC06 nghiên cứu và tạo ra các giống lúa chất lượng cao. |
Hiệu quả cho sản xuất, ý nghĩa về khoa học
Ghi nhận nổi bật là nhiều kết quả của các chương trình đã thực sự mang lại hiệu quả cao cho sản xuất cũng như có giá trị khoa học. Về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu nghiên cứu ứng dụng và tạo ra công nghệ tiên tiến để chuyển giao cho sản xuất. Một số kết quả có đóng góp đáng kể vào nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông - lâm - sản thông qua việc tăng năng suất lao động, mang ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Một số công nghệ, thiết bị tiên tiến đã được chuyển giao ngay vào sản xuất, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp.
Kết quả tích cực đó có thể thấy được qua Chương trình KC06. Chương trình đã nghiên cứu, chọn tạo được 8 giống lúa có năng suất cao, thơm, chất lượng tốt, kháng được một số sâu bệnh hại. Các giống lúa này đã được nhân rộng sản xuất ở trên 100.000ha, giúp năng suất tăng 50.000 tấn - tương đương với 325 tỷ đồng.
Hiệu quả của Chương trình KC03 thể hiện rõ rệt qua việc nghiên cứu thành công công nghệ đốt than, được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện. Quy trình mới có thể giúp các nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam tiết kiệm được ít nhất 450 nghìn tấn than/năm, tương đương 800 tỷ đồng. Trong gần một năm qua, công nghệ này đã giúp Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình tiết kiệm được 12 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất giải pháp để các nhà máy trong cả nước thực hiện quy trình công nghệ nói trên.
Trong lĩnh vực y dược, đã có gần 100 quy trình công nghệ được áp dụng ngay trong các bệnh viện. Chương trình KC10 giúp sản xuất được vắc xin Rota sống giảm độc lực, với trình độ tương đương quốc tế nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 vắc xin ngoại nhập. Công nghệ sản xuất thuốc tiêm đông khô carboplatin dùng trong điều trị một số bệnh hiểm nghèo như ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư bàng quang đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp, đáp ứng được 40% nhu cầu thị trường với giá thành giảm từ 20 đến 25% so với nhập ngoại với chất lượng tương đương.
Nên mạnh dạn giao đề tài cho nhà khoa học trẻ
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập khi đánh giá về việc triển khai các chương trình, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, ông Nguyễn Thiện Thành, cho biết: Việc đầu tư giải quyết các vấn đề KH-CN trong các chương trình còn dàn trải trong khi nguồn kinh phí và thời gian có hạn, vì vậy, nhìn chung, kết quả chưa tạo được ấn tượng sâu sắc. Đa số đề tài tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể của sản xuất, chưa hướng vào những vấn đề có ý nghĩa lớn với phạm vi ứng dụng rộng rãi, nên sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng còn hạn chế. Việc hỗ trợ thanh quyết toán cho đề tài của một số cơ quan chủ trì chưa tích cực, khiến tiến độ của nhiều nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu. Có tới 30% số nhiệm vụ phải gia hạn thời gian thực hiện, có khi gia hạn tới 2 lần. Hơn nữa, do việc xác định nhiệm vụ hoặc lựa chọn tổ chức cá nhân chủ trì chưa sát thực tế, chậm trễ trong giao dự toán kinh phí nên có tới 13 nhiệm vụ đã được phê duyệt kinh phí nhưng không thể triển khai thực hiện. Cơ chế tài chính chưa theo kịp được với thực tế, một số quy định chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu. Việc xử lý tài sản của các nhiệm vụ khi kết thúc đang có nhiều bất cập.
Những kinh nghiệm quý giá nói trên cho thấy, sự thành công phụ thuộc vào việc thực hiện có chất lượng các quy trình quản lý, xác định được những vấn đề thiết thực, lựa chọn được tổ chức uy tín và đội ngũ cán bộ khoa học ổn định chủ trì. Thành công của Chương trình KC10 trong nhiều năm là minh chứng: Các vấn đề nghiên cứu phần lớn xuất phát từ khối bệnh viện hoặc các cơ sở sản xuất lớn và do chính các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ thực hiện. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng ngay tại các bệnh viện hoặc cơ sở đó, rồi lan tỏa một cách tự nhiên. Đội ngũ nghiên cứu ít bị xáo trộn và bao gồm những chuyên gia theo đuổi chuyên môn sâu trong nhiều năm.
Giám đốc Nguyễn Thiện Thành cũng bày tỏ, trong xây dựng một số nhiệm vụ KH-CN, nên mạnh dạn giao việc chủ trì các đề tài cho các nhà khoa học trẻ, nhằm tạo ra những đột phá mới trong công tác nghiên cứu. Trình độ khoa học, tính mới và tính ứng dụng của kết quả thực hiện trong các đề tài tiềm năng thuộc Đề án “Thí điểm thực hiện các nhiệm vụ tiềm năng” trong 8 chương trình đã chứng tỏ năng lực của cán bộ khoa học trẻ. Sự nỗ lực và say mê của họ là cơ sở quan trọng để đặt ra hướng đột phá mới trong công tác nghiên cứu. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu lâu dài trong các chương trình trọng điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.