Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng đội ơi, tình thân ơi!

Minh Ngọc| 23/07/2022 06:32

(HNM) - “Đồng đội ơi!” là tiếng lòng thầm gọi của những thương binh, bệnh binh may mắn trở về, được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên hoặc đến điều dưỡng luân phiên tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội mỗi khi nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ở đây, mọi người luôn tự nhủ phải sống một cuộc đời thật ý nghĩa, thay cho người đã "ngã xuống". Họ được sống trong nghĩa tình, tri ân, tình thân của lực lượng cán bộ, nhân viên trung tâm, của người thân và cộng đồng, với tình cảm thiêng liêng khó nói thành lời...

Người có công điều dưỡng luân phiên tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội tham gia hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Những câu chuyện cảm động

Vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) này, phóng viên Báo Hànộimới đã được chứng kiến không ít câu chuyện cảm động ở Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), đóng tại phường Biên Giang, quận Hà Đông.

Căn phòng rộng khoảng 30m2, được trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt, cửa chính hướng ra phía vườn cây xanh mát, là nơi ở của gia đình bệnh binh nặng Lê Văn Tý (sinh năm 1960), đến từ xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ông Tý tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Do sức khỏe yếu, ông Tý được đưa đi chăm sóc đặc biệt từ năm 1980. Qua thời gian, ông Tý phải cắt mất đôi chân bị hoại tử để giành lấy sự sống, đường tiêu hóa hoạt động không theo quy luật bình thường, khiến mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người giúp đỡ. Người chăm sóc ông mấy chục năm qua là cán bộ, nhân viên trung tâm cùng người vợ hiền.

Theo dòng tâm sự của chồng, bà Nguyễn Thị Thái (vợ bệnh nhân Lê Văn Tý) nhớ lại: “Cách đây hơn 30 năm, khi là bộ đội nghĩa vụ tại Bệnh viện Quân y 103, chứng kiến anh Tý mang trong mình vết thương rất nặng, nhưng luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tôi cảm mến, rồi thương yêu, nên duyên vợ chồng”.

Gắn bó với người chồng sức khỏe yếu, bà Nguyễn Thị Thái lựa chọn không sinh con để dành trọn thời gian, tâm sức chăm chồng, nhưng bà không coi đó là sự hy sinh, mà là sự đồng cảm, thấu hiểu. “Một người anh trai của tôi cũng hy sinh, vĩnh viễn không thể trở về, đó là nỗi đau khó diễn tả. Vì thế, với tôi, người còn sống để trở về từ các chiến trường là may mắn và tôi muốn xoa dịu vết thương cho người bạn đời của mình bằng tình thân, tình yêu thương”, bà Thái chia sẻ.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với gia đình bệnh binh Lê Văn Tý thỉnh thoảng bị ngắt quãng, vì bà Nguyễn Thị Thái dành thời gian chăm sóc chồng, lúc lấy chén nước, khi đỡ chồng lên xe lăn di chuyển phục vụ các hoạt động cá nhân. Vừa làm, bà vừa nói: “Ở đây, anh, chị, em cán bộ trung tâm tận tâm, tận tình chăm sóc chồng tôi từ những việc nhỏ, liên tục 24/24 giờ. Tuy nhiên, có những việc vợ chăm sóc chồng sẽ thuận tiện hơn”. Còn ông Tý vui vẻ nói: “Tôi có những người ở bên chăm sóc chu đáo như thế này, chẳng mong ước gì hơn. Tôi luôn vui vẻ, sống một cuộc sống ý nghĩa, thay cho đồng đội đã ngã xuống…”.

Cùng sống tại trung tâm nhiều năm qua với gia đình bệnh binh Lê Văn Tý là gia đình các thương binh: Hoàng Quốc Hùng (sinh năm 1958), đến từ khu tập thể Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương (quận Thanh Xuân); Nguyễn Đăng Đức (sinh năm 1958), đến từ phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); Nguyễn Thành Đô (sinh năm 1962) đến từ xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì). Họ bị thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, với tình trạng thương tật từ 81 đến 93%, phải nằm một chỗ kèm theo nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác. Vượt lên nỗi đau, tất cả sống vui vẻ, lạc quan dưới mái nhà chung ấm áp tình thân.

Ông Nguyễn Thành Đô chia sẻ: “Tôi chiến đấu và bị thương ở mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Nơi đó có em trai tôi, đồng đội tôi nằm lại. Mỗi khi nhớ đến họ, tôi thầm gọi ba tiếng thiêng liêng “Đồng đội ơi!” và nhắc nhở bản thân hãy luôn lạc quan hướng về phía trước”.

30 năm ấy, biết bao nghĩa tình

Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng là thời điểm Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội đi vào hoạt động 30 năm (1992-2022). Chừng ấy năm hoạt động cũng là bấy nhiêu thời gian nơi đây trở thành ngôi nhà thân thương của gia đình 4 thương binh, bệnh binh nặng. Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, trung tâm còn có chức năng là điều dưỡng luân phiên người có công, với khoảng 65.000 lượt người đã đến điều dưỡng.

Để người có công được chăm sóc tốt nhất, trung tâm thường xuyên đổi mới quy trình tổ chức, hoạt động. Trước mỗi đợt điều dưỡng, trung tâm cử cán bộ về địa phương nơi người có công cư trú, phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức đưa, đón trang trọng, chu đáo. Khi người có công đến trung tâm, toàn bộ đội ngũ cán bộ ra tiếp đón với thái độ ân cần, niềm nở và trân trọng. Thời gian điều dưỡng tại trung tâm, người có công được chăm sóc toàn diện, cả về sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần.

Lần đầu điều dưỡng tại trung tâm vào tháng 7-2022, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đến từ phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) bộc bạch: “Chúng tôi được quan tâm chu đáo từ những việc nhỏ. Chẳng hạn, những dụng cụ cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng được trung tâm trang bị khác màu để các cụ cao tuổi không bị nhầm lẫn; những người thân thiết với nhau được bố trí ở cùng phòng; món ăn được chuẩn bị theo sở thích và phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người. Trước mỗi bữa ăn, cán bộ trung tâm đến từng mâm mời cơm và lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để kịp thời khắc phục, điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại”.

Cùng đợt điều dưỡng với ông Nghĩa, cùng đến từ quận Bắc Từ Liêm, nhưng với ông Nguyễn Hữu Xuân (phường Xuân Đỉnh) là lần thứ hai có những ngày nghỉ dưỡng tại đây. Trong lần trở lại này, chứng kiến sự đổi thay tích cực, ông Xuân xúc động lưu lại cảm xúc qua những vần thơ:

“Lâu rồi trở lại nơi đây/Cảnh cũ, nhà xưa đã đổi thay/Hiện đại, khang trang không ngờ tới/Những mong ở lại mãi chốn này…”.

Chia sẻ về công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội Nguyễn Văn Triệu cho biết, trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan chức năng và cộng đồng, nên ngày càng khang trang, hiện đại. Các phòng ở được cải tạo, nâng cấp, cây xanh được trồng từ cổng vào đến các khu nhà điều dưỡng. Quy trình chăm sóc sức khỏe được đầu tư bài bản, khoa học với hệ thống ngâm chân, tắm sục, xông hơi theo tiêu chuẩn mới, phù hợp với tình trạng sức khỏe của đa số người có công, hiện đã cao tuổi. “Chúng tôi luôn lấy niềm vui, sự hài lòng của người có công trong quá trình điều dưỡng là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động”, ông Nguyễn Văn Triệu nhấn mạnh.

Thường xuyên chăm sóc, phục vụ người có công, lực lượng cán bộ, nhân viên của trung tâm hiểu rõ những mất mát, đau thương mà họ và gia đình phải gánh chịu. Vì thế, tất cả luôn làm việc bằng tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng, chăm sóc, ứng xử với người có công như với bậc ông, bà, cha, chú. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Trưởng phòng Quản lý và Nuôi dưỡng chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc người có công tốt nhất, góp phần bù đắp phần nào đau thương, mất mát do chiến tranh để lại”.

Chứng kiến những hình ảnh, câu chuyện chung - riêng, chuyện về thời chiến tranh xen lẫn thời bình ở trung tâm, lắng đọng trong chúng tôi là sự dung dị mà xúc động. Điều đó càng cho thấy, 30 năm trung tâm đi vào hoạt động là chừng ấy thời gian các thế hệ cán bộ, nhân viên tận tâm, tận tình chăm sóc người có công. Nghĩa tình đó sẽ tiếp tục nối dài theo năm tháng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng đội ơi, tình thân ơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.