(HNM) - Theo Viện Vật lý địa cầu (VLĐC), từ đầu tháng 11-2011 đến nay, tại địa phận huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra bốn trận động đất với cường độ lớn nhất đạt 3,3 độ richter.
TS Lê Huy Minh (Viện VLĐC) cho biết, các trận động đất ở Bắc Trà My tập trung gần đới đứt gãy Trà Bồng, giữa đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và Tam Kỳ - Phước Sơn, đồng thời cũng nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2. Độ sâu chấn tiêu của các trận động đất này nằm dưới mặt đất 3-5km, khá nông so với phần lớn các trận động đất kiến tạo đã quan sát được ở nước ta. Các trận động đất này gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần tâm chấn nên người dân khu vực này cảm nhận rất rõ.
TS Minh cũng khẳng định rằng, các trận động đất vừa xảy ra là những trận động đất kích thích, xuất hiện sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động. Tuy nhiên đây chỉ là những nhận định sơ bộ ban đầu. Để khẳng định chính xác cần xem xét một cách chi tiết hoạt động động đất ở khu vực này trong thời gian trước khi tích nước hồ chứa, cũng như cần có thêm những khảo sát chi tiết và quan trắc bổ sung về hoạt động động đất trong khu vực từ một mạng lưới trạm ghi động đất đủ dày. Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành phục vụ xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các đứt gãy đã nêu được Viện VLĐC đánh giá có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5 độ richter. Thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay hoàn toàn an toàn dưới tác động của các trận động đất vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, GS-TS Nguyễn Đình Xuyên (nguyên Viện trưởng Viện VLĐC) cho biết, động đất kích thích là hiện tượng phổ biến trên thế giới, thường xảy ra vào giai đoạn đầu tiên khi lòng hồ được tích nước. Nguyên nhân là do khối lượng nước trong hồ chứa gây ứng suất (một loạt lực tác động) gia tăng. Với áp lực của cột nước, làm nước thẩm thấu xuống sâu khiến áp suất lỗ rỗng bị thay đổi, giảm ma sát ở các mặt trượt, làm xảy ra động đất ở trạng thái tự nhiên. Ở nước ta, việc xảy ra động đất kích thích ở những vùng hồ chứa lớn sau khi tích nước là hoàn toàn có khả năng. Nguy cơ này cũng đã được nghiên cứu đánh giá cho nhiều vùng hồ như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yaly… Thực tế cũng đã xảy ra ở vùng hồ Hòa Bình chỉ bốn tháng sau khi tích nước hồ chứa đến cao trình 86m. Đó là trận động đất mạnh 4,9 độ richter ngày 23-5-1989 và sau đó liên tục có dư chấn nhỏ xảy ra.
Không thể không liên quan
Sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 12-5-2008 tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm 70.000 người chết, 5 triệu người mất nhà cửa, một số nhà khoa học đã "đổ lỗi" cho đập thủy điện Zipingpu (Tử Bình Bạc - cao 156m) nằm cách tâm chấn khoảng 10km và cách các đường rãnh nứt địa chất 550m. Lập luận này đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng không ít người cho rằng nó không thể không liên quan. Cụ thể là sức nặng của lượng nước 1,1 tỷ mét khối trong hồ chứa ở đập Zipingpu tương đương 325 triệu tấn, làm cho hiện tượng sụt lún đáy hồ, nước thấm vào các mạch đứt gãy kích thích động đất diễn biến phức tạp hơn.
GS Nguyễn Đình Xuyên cho biết thêm, ảnh hưởng của các công trình thủy điện tới môi trường địa chất trong khu vực, kích thích xảy ra các tai biến địa chất, trong đó có động đất thì không có gì phải nghi ngờ. Qua những trường hợp đã biết nghiệm thấy rằng, các đặc trưng của hồ chứa như độ sâu, diện tích hồ, dung tích hồ… cũng là những yếu tố có ảnh hưởng lớn. Hiện tượng động đất kích thích sẽ dần đi vào ổn định khoảng một năm sau khi công trình thủy điện đi vào vận hành.
Trao đổi với báo giới, PGS-TS Cao Đình Triều (Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý) cho rằng, có một số yếu tố cơ bản để xác định mức độ của động đất kích thích. Đó là độ cao của đập xả nước từ 100m trở lên, dung tích hồ chứa và hoạt động của đới đứt gãy trong lòng đất. Tại thủy điện Sông Tranh 2, dù công suất chỉ là 190MW, độ cao của đập không lớn, nhưng dựa vào bản vẽ địa chất đo đạc ở Bắc Trà My trong thời gian gần đây, thì đới đứt gãy chạy qua đây đang hoạt động khá mạnh.
Ở nước ta, khi xây dựng các nhà máy thủy điện, yêu cầu khảo sát địa chất, xây dựng công trình kháng chấn là yêu cầu bắt buộc. "Tuy nhiên, việc vận hành nhà máy thủy điện sau khi hoàn thành chỉ quan tâm đến công tác đo độ lún của đập, điều tiết mực nước… mà không theo dõi động đất là điều đáng tiếc. Tôi biết, ở Uzbekistan người ta phải xây dựng riêng một quy trình tích nước, tháo nước… ra sao để tránh tối đa hiện tượng động đất kích thích. Chúng ta nên học theo họ để có cách xử lý các hiện tượng bất thường tại công trình thủy điện" - GS Nguyễn Đình Xuyên nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.