Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Động đất” bên bờ Địa Trung Hải

Vân Khanh| 19/02/2010 06:52

(HNM) - Cơn

Trong suốt nhiều tuần qua, thời tiết lạnh giá đang bao trùm bắc bán cầu đã không thể làm nguội đi không khí cực kỳ nóng bỏng của "câu chuyện Hy Lạp" vì những tình tiết của nó đã được che đậy quá khéo léo sau một tấm bình phong hào nhoáng. Sự đổ bể nợ công của Aten đã hé lộ một thực tế rằng Hy Lạp đã không trung thực khi gia nhập khu vực đồng tiền chung (Eurozone) năm 2001 bằng các số liệu thống kê không đúng sự thật và sau đó đã không thể kiểm soát được thâm hụt ngân sách. Vay nợ để chi tiêu, chính sách tài khóa lỏng lẻo, quê hương của Thần Dớt đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Trong năm 2009, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp tương đương 12,7% GDP, gấp 4 lần mức cho phép 3% của các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong khi đó, nợ công của nhà nước dự kiến có thể lên tới tỉ lệ khó tin 125% GDP vào năm 2010 này. Với tình trạng tài chính công thê thảm như vậy, cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín Fitch đã hạ xếp hạng nợ của nước này từ mức A- xuống mức BBB+, thấp hơn so với bất kỳ quốc gia nào thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hai tổ chức xếp hạng tín dụng khác là Moody và Standard & Poors cũng đã đưa ra những đánh giá tương tự.

Biểu tình phản đối chính sách kinh tế của Chính phủ Hy Lạp tại thủ đô Aten.


Giống như sự kiện Đubai, cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng đã khiến giới phân tích cho rằng đất nước bên bờ Địa Trung Hải này có thể trở thành một "Lehman Brothers" thứ hai. Chủ tịch nhóm đồng tiền chung (Eurogroup), ông Giăng Clau Giăngcơ thậm chí đã không loại trừ khả năng nhà nước Hy Lạp phá sản. Vì vậy, việc giải cứu Aten đã là chủ đề chính được thảo luận trong nhiều cuộc họp và các diễn đàn kinh tế của cả châu Âu và quốc tế trong mấy ngày qua. Thực tế cho thấy, Hy Lạp đang là bài kiểm tra lớn nhất về mức độ tín nhiệm mà Eurozone phải đối mặt kể từ khi chính sách sử dụng một đồng tiền duy nhất tại châu lục có hiệu lực. Thử thách lớn nhất mà 16 nước thành viên sử dụng đồng ơrô đang phải đối mặt là liệu có khả năng buộc một thành viên với nền kinh tế yếu kém tiến hành các biện pháp mạnh nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không phải cầu viện sự giúp đỡ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này nếu xảy ra có thể sẽ dẫn tới mức độ can thiệp chưa từng có của Liên minh châu Âu (EU) đối với vấn đề tài chính của một quốc gia thông qua việc cung cấp hoặc duy trì các khoản vay theo nhiều đợt khác nhau. Tuy nhiên, ngoài việc đạt được thống nhất kiên quyết không "nhờ cậy" định chế tài chính lớn nhất thế giới là IMF, các nước EU cũng chưa có được một cam kết cụ thể nào cho việc cứu nguy Hy Lạp. Thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng trung ương châu Âu, Giuagen Xtanh tuyên bố rằng việc các nước thành viên của EU móc hầu bao để cứu Hy Lạp nhiều khi chỉ là một sự "lừa phỉnh" trong khi lãnh đạo Đức và Pháp tỏ ra thông cảm hơn và "bóng gió" rằng Hy Lạp có thể nhận được giúp đỡ từ các đối tác trong Eurozone nếu những vấn đề nợ của nước này được giải quyết.

Tuy nhiên, giải pháp cho những khó khăn hiện nay không hề đơn giản. Chính phủ Hy Lạp đã cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để vực dậy tài chính công của nước này, đưa mức thâm hụt ngân sách xuống 4% trong năm 2010, đồng thời cố gắng áp dụng một số biện pháp tăng nguồn thu như ngăn chặn hành vi trốn thuế song với khả năng cạnh tranh về chi phí sản xuất kém nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu, việc thoát khỏi khủng hoảng của Hy Lạp là con đường cực kỳ khó khăn. Điều đó càng có cơ sở khi chính sách cắt giảm chi tiêu hà khắc đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ trong nước với những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân do việc "thắt lưng buộc bụng" ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ phố Uôn từng đánh gục hàng loạt ngân hàng trên thế giới từ cuối năm 2008, có lẽ đã kéo theo cuộc khủng hoảng nợ, hiện đã "gõ cửa" đến cả những quốc gia như Hy Lạp. Điều này cho thấy, nợ không chỉ là bóng ma đe dọa các nước nghèo mà nó còn có khả năng đánh thẳng cả những nước phát triển giàu mạnh. Cả châu Âu đang "sôi sục" với chảo lửa Hy Lạp vì nếu nước này lún sâu hơn vào khủng hoảng tài chính, các thành viên của Eurozone chắc chắn bị tác động không nhỏ, đặc biệt khi 3 thành viên khác của khối là Bồ Đào Nha, Ailen và Tây Ban Nha cũng đang "ngấp nghé" với những khó khăn tương tự. Trước thực tế đó, EU đã cam kết sẽ thực hiện chính sách tiền tệ khu vực chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm sự vững vàng chung cho cả khối kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Động đất” bên bờ Địa Trung Hải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.